Thông thường sau buổi phỏng vấn Nhà tuyển dụng (NTD) sẽ dành thời gian để Ứng viên đặt câu hỏi cho hội đồng phỏng vấn để tìm hiểu thêm về công ty, công việc. Chất lượng câu hỏi của UV cũng phần nào góp phần cho việc đánh giá kết quả phỏng vấn, vậy nên chúng ta cần hỏi những câu gì cho NTD? Trong hình là chia sẻ của một bạn UV nhiều kinh nghiệm, mình chia sẻ thêm một số góc nhìn từ bài viết này (phần 1 mình đã chia sẻ từ câu 1- câu 5, phần này mình sẽ tiếp tục từ câu 6).
Câu 6: “Số ngày nghỉ phép có lương là bao nhiêu? Ở nhiều công ty, cho dù Nhân viên muốn nghỉ, và họ có ngày phép, nhưng không được nghỉ vì công ty phát sinh việc, HR sẽ hỗ trợ như thế nào?”
Đây là một câu chưa nên hỏi trong buổi phỏng vấn, có chăng thì nên hỏi khi công ty đã gửi offer cho mình và chỉ nên dừng lại ở chỗ biết số ngày phép của công ty là được rồi. Việc bạn xin nghỉ phép nhưng Quản lý trực tiếp hoặc cấp trên không duyệt vì công việc thì thông thường HR không can thiệp được nên có hỏi thì câu trả lời nhận được cũng sẽ không thoả đáng cho mình. Văn hoá xin nghỉ phép thông thường bị ảnh hưởng nhiều bởi người Quản lý của Bộ phận/Phòng ban đó hơn là chính sách công ty, vậy nên cần thiết thì hỏi thăm kỹ về tính cách của người sếp ở Bộ phận mình dự tuyển.
Khi đi làm, việc nghỉ phép mình nghĩ là do mỗi chúng ta sắp xếp công việc và có kế hoạch trước, có sự chuẩn bị và kế hoạch dự phòng cho các trường hợp có thể phát sinh trong công việc thì sẽ dễ dàng và an tâm khi xin nghỉ phép. Cuối cùng, nếu tham khảo những người đã từng làm ở công ty đó và thấy việc nghỉ phép rất khó khăn thì cũng nên cân nhắc khi quyết định nhận offer.
Câu 7: “Tầm nhìn của công ty trong vòng 3-5 năm tới là như thế nào trong ngành mình đang làm? Cho em xin khái quát về SWOT và positioning của công ty hiện tại? Leadership và vision của công ty có được rõ ràng và truyền đạt đến từng nhân viên, cho dù là front line?
Theo mình đánh giá đây là một câu hỏi khá hay và nên hỏi trong buổi phỏng vấn, tuy vậy cần điều chỉnh một chút để mang lại thiện cảm nhiều hơn cho người phỏng vấn mình.
“Tầm nhìn của công ty trong vòng 3-5 năm tới là như thế nào trong ngành mình đang làm?”
Thông thường tầm nhìn của công ty là sẽ trở thành…cái gì đó trong tương lai và điều này chúng ta rất dễ dàng tìm thấy trên internet, vì vậy trước khi đi phỏng vấn hãy dành một chút thời gian tìm hiểu về công ty thì không phải hỏi câu này. Lúc đó chúng ta có thể thay thế bằng câu hỏi khác sẽ có nhiều thông tin hơn: Em có tìm hiểu và thấy vision của công ty là…anh/chị có thể chia sẻ thêm về vision này của công ty giúp em? Khi mình hỏi như vầy thì ít nhiều sẽ nghe thêm được vì sao công ty chọn vision như thế hoặc công ty sẽ làm như thế nào để đạt được điều này – đây mới là điều mà chúng ta cần quan tâm. Riêng cá nhân mình thì mình quan tâm Giá trị cốt lõi của công ty hơn là tầm nhìn vì tầm nhìn công ty thường thay đổi theo thời gian, Giá trị cốt lõi thì rất ít khi thay đổi. Mình không quan tâm lắm công ty muốn trở thành cái gì mà quan trọng là giá trị cốt lõi của công ty phù hợp, ví dụ giá trị cốt lõi là Sự chính trực chẳng hạn. Miễn là lúc ứng tuyển, công việc công ty giao cho giúp mình đạt được mục tiêu của cá nhân mình ở thời điểm đó là phù hợp.
“Cho em xin khái quát về SWOT và positioning của công ty hiện tại?”
Cũng tương tự như khi hỏi về tầm nhìn, câu này mình hoàn toàn có thể chủ động tìm hiểu trước để có thông tin. Hơn nữa khi ứng tuyển vào công ty, cá nhân mình quan tâm định hướng của công ty trong tương lai hơn là hiện tại vì hiện tại chúng ta gần như không thể thay đổi còn tương lai thì hoàn toàn có thể. Câu này chúng ta có thể kết hợp với câu trên để hỏi: Anh, chị có thể chia sẻ thêm giúp em mục tiêu trong năm tới của công ty mình là gì? Sau khi có câu trả lời thì hỏi tiếp: Và với tình hình hiện tại thì để đạt được mục tiêu này, anh, chị hình dung công ty mình đang có lợi thế gì và sẽ phải trải qua những thử thách khó khăn nào ah?
Kinh nghiệm mình thấy với câu hỏi này mình nên hỏi khi phỏng vấn ở vị trí mà cấp trên trực tiếp của mình báo cáo cho CEO, còn nếu vị trí có cấp bậc thấp hơn trong công ty đó thì chỉ nên hỏi về định hướng, mục tiêu của Bộ phận/Phòng ban mình ứng tuyển thôi.
“Leadership và vision của công ty có được rõ ràng và truyền đạt đến từng nhân viên, cho dù là front line?”
Nếu mình là người phỏng vấn và được Ứng viên hỏi câu này thì mình sẽ hỏi lại trước khi trả lời: Bạn hiểu như thế nào là Leadership? Và theo bạn thì như thế nào là rõ ràng?
Và sau đó mình trả lời là có thì liệu rằng lúc đó bạn là Ứng viên thì bạn sẽ tin? Có lẽ là hơi khó để tin. Vậy có nghĩa chúng ta hỏi câu này thì có vẻ chưa có giá trị lắm cho việc đánh giá độ phù hợp của mình với công ty.
Trong tình huống này mình nghĩ điều mà Ứng viên đang quan tâm là ở vị trí của tôi đang ứng tuyển, công việc được có định hướng, mục tiêu rõ ràng hay vẫn là mù mờ, sếp bảo gì làm đó hoặc là mục tiêu, định hướng thay đổi liên tục? Những điều này nếu có thì nên tham khảo từ những người đã làm ở công ty đó hơn là hỏi trong khi phỏng vấn.
Câu 8: “Bảo hiểm hỗ trợ như thế nào? Có hỗ trợ cho gia đình không?”
Đây là một câu nên hỏi nhưng chỉ nên hỏi khi nhận được offer hơn là trong buổi phỏng vấn. Nên hỏi kỹ hơn là: Công ty đóng bảo hiểm (BH) trên mức lương nào? Ngoài BH theo quy định của Nhà nước thì công ty có mua thêm BH sức khoẻ cho Nhân viên? Nếu có thì hạn mức và quyền lợi cụ thể của vị trí này như thế nào? Công ty có mua BH sức khoẻ cho người thân? Nếu có thì là được mấy người? Quyền lợi của BH dành cho người thân như thế nào?
Câu 9: “Cơ hội học tập, training (Internal lẫn external, soft skills lẫn technical skills) từ thang 1- 10 HR đánh giá như thế nào?
Đây lại là một câu hỏi mang yếu tố đánh giá chủ quan khi trả lời nên theo mình là không nên hỏi như thế. Mình nên điều chỉnh cách hỏi để có thông tin cần thiết: Anh, chị có thể chia sẻ giúp em là vị trí này có những cơ hội đào tạo, học tập phát triển nào? Sau khi có câu trả lời thì hỏi lỹ thêm: Điều kiện cần thiết để được tham gia các chương trình/chính sách đào tạo anh, chị vừa chia sẻ là gì?
Câu 10: “Decision making process của công ty là centralization hay decentralization, ý kiến của Nhân viên có được nghe và tiếp nhận, nhân viên có được empower và có tiếng nói?”
Đây là một câu hỏi rất hay và nên hỏi trong buổi phỏng vấn, tuy vậy mình nghĩ không nhất thiết hỏi đến “process” của công ty mà chỉ cần hỏi cho rõ trong phạm vi công việc của mình là được. Mình có thể hỏi cho sát thực tế công việc hơn: Với vị trí này thì người phụ trách được quyền ra quyết định trong phạm vi nào? Ngoài phạm vi này thì ai (Tức là chức danh nào trong công ty) sẽ là người quyết định cuối cùng? Thực tế câu hỏi dạng này nên hỏi chi tiết hơn với từng vị trí cụ thể khi đi phỏng vấn, mình ví dụ: Nếu bạn phỏng vấn ở vị trí Chuyên viên Marketing thì có thể hỏi rõ vị trí này được quyền quyết định việc phân bổ và sử dụng ngân sách trong phạm vi nào? Hoặc quy trình đề xuất, xét duyệt ra sao trong Phòng Marketing? Ai là người ra quyết định sau cùng?
Việc trao quyền và lắng nghe ý kiến của Nhân viên kinh nghiệm mình thấy là bị phụ thuộc nhiều vào người Quản lý của Bộ phận/Phòng ban đó hoặc người Quản lý trực tiếp của vị trí đó, nó không hẳn là văn hoá của toàn công ty. Vậy nên để có thông tin cho chỗ này thì việc cần thiết là hỏi rõ với người Quản lý của mình như cách hỏi bên trên, đồng thời cũng nên tham khảo thêm với một số người từng làm cùng với vị Quản lý đó nếu được.
Nhìn chung mình thấy danh sách 10 câu hỏi này là rất hay và nên hỏi kỹ để có thông tin, tuy nhiên phần lớn câu hỏi chúng ta nên hỏi sau khi nhận được offer từ công ty. Trong phạm vi buổi phỏng vấn mình chỉ nên tập trung hỏi để làm rõ 2 vấn đề bên dưới vì chúng ta thực sự không có nhiều thời gian trong buổi phỏng vấn:
- Công việc mình sẽ làm: Mong đợi phía công ty (Giải quyết vấn đề gì); KPI cụ thể là gì, đo đạc, ghi nhận (Tracking) như thế nào; thử thách, khó khăn sẽ gặp; quy trình làm việc, phạm vi ra quyết định; cơ hội học tập phát triển…
- Cấp trên trực tiếp của mình: Phong cách/cách thức quản lý; Mong đợi đối với cấp dưới; Kinh nghiệm chuyên môn; Khả năng/năng lực lãnh đạo;…
Những vấn đề liên quan đến quyền lợi, chính sách phúc lợi chỉ nên hỏi sau khi có offer.
Một điểm lưu ý khi đặt câu hỏi cho Nhà tuyển dụng:
- Với mỗi câu hỏi đưa ra chúng ta nên chủ động tìm hiểu trước và khi hỏi thì cần xác định rõ MỤC TIÊU của mình khi hỏi câu này là gì? Hay khi hỏi câu này thì mình dùng thông tin có được từ câu trả lời để đánh giá điểm gì, ra quyết định gì với công ty/với vị trí dự tuyển;
- Điều quan trọng hơn là chúng ta cần dự đoán trước câu trả lời của người được hỏi với từng câu hỏi của mình. Có như vậy chúng ta mới thực sự suy nghĩ và đào sâu cách thức đặt câu hỏi để có được thông tin cần thiết. Đặc biệt có một số câu hỏi nếu chúng ta không dự đoán trước câu trả lời và bị nhà tuyển dụng hỏi ngược lại mà chúng ta không trả lời được hoặc chưa có sự chuẩn bị để trả lời tốt thì cũng không hay lắm (Thường là những câu hỏi về tình huống). Ví dụ: Em thấy công ABC là đối thủ của mình vừa tung ra chiến lược/dịch vụ rất hay…vậy không biết sắp tới công ty mình sẽ có chiến lược, đối sách gì để ứng phó ah? Khi bạn hỏi câu này nếu Nhà tuyển dụng hỏi ngược lại nếu là bạn thì bạn sẽ ứng phó hay có đối sách như thế nào, lúc đó bạn sẽ trả lời ra sao?
*Photo: Internet