Giai đoạn trong và sau thời gian đào tạo Fresher – Một vài thử thách và bài học kinh nghiệm
⚙️ Quản lý dữ liệu Ứng viên: Nếu chỉ tuyển Fresher cho duy nhất 1 vị trí thì đơn giản nhưng nếu là tuyển cùng lúc cho nhiều vị trí khác nhau thì nhiều thử thách lắm, dữ liệu chỉ có giá trị khi nó “sống” thực sự, tức là được cập nhật đầy đủ và chính xác, kịp thời kết quả của từng giai đoạn tuyển chọn. Dữ liệu Fresher là rất quan trọng vì không chỉ dùng lúc diễn ra chương trình tuyển dụng mà còn là cho quá trình tuyển dụng của một vài năm sau đó. Bài học là làm đúng ngay từ đầu và có người kiểm soát chặt chẽ (PM của dự án) việc cập nhật thông tin đầy đủ trong suốt thời gian của chương trình.
? Đánh giá: Bao gồm tuyển chọn trước đào tạo và sau thời gian đào tạo tại công ty. Vì là tuyển số lượng lớn nên việc đánh giá sao cho công bằng, khách quan là rất quan trọng. Để được như thế việc xác lập tiêu chuẩn đánh giá ngay từ ban đầu là rất quan trọng và việc đánh giá trong thời gian đào tạo phải được thực hiện định kỳ, liên tục, đánh giá không chỉ là kết luận mà còn là quá trình chia sẻ thông tin giúp các bạn Fresher trưởng thành hơn, có động lực phấn đấu nhiều hơn.
Nếu được thì nên có hệ thống bảng câu hỏi phỏng vấn để đảm bảo không bỏ sót thông tin khi trao đổi với các bạn Ứng viên. Các anh Hiring Manager cũng nên chuẩn bị tinh thần trước cho việc phỏng vấn vì sẽ rất dễ nản lòng (Ví dụ để tuyển 10 bạn thì phải phỏng vấn ít nhất 30- 40 bạn trong thời gian 2 tuần, mỗi bạn 1 tiếng thì tính ra trong 2 tuần đó, mỗi ngày phải mất hết 1 buổi làm việc cho việc phỏng vấn)
✍️Ký hợp đồng và cam kết. Việc cho Fresher ký Hợp đồng đào tạo, trong đó có điều khoản cam kết làm cho công ty một thời gian là rất quan trọng vì để làm bài bản thì chi phí tuyển một bạn Fresher không hề thấp. HR cần chia sẻ và tư vấn kỹ cho các bạn trước khi ký để bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của 2 bên.
⭐️ Đừng để các bạn bị bệnh “ngôi sao”. Mặc dù biết để các bạn được tuyển chọn vào đào tạo trong chương trình Fresher là quá trình không hề dễ dàng và phải đánh bại rất nhiều Ứng viên khác nhưng hãy cho các bạn Fresher thấy đó chỉ mới là sự bắt đầu, các bạn cần phải nổ lực hơn nữa để xứng đáng với kết quả tuyển chọn. Một trong những sai lầm của mình ở những dự án đầu tiên là đã tâng bốc các bạn Fresher mới vào và hậu quả là làm cho các bạn bị nhiễm bệnh đòi hỏi, có khi là quá đáng, vậy nên phải ngăn chặn ngay từ đầu.
? Kỹ năng mềm cho Fresher. Mọi người vẫn hay than vãn với nhau là Sinh viên IT kỹ năng mềm phần lớn là chưa tốt và điều này mình thấy khá đúng. Vậy nên có vài khoá đào tạo kỹ năng mềm bài bản trong chương trình là cần thiết, có thể là kỹ năng làm việc nhóm hay giải quyết vấn đề, tư duy phản biện. Nói chung Fresher được học thêm ngoài việc code thì thích lắm.
?Phải sát sao trong thời gian đào tạo. 2-3 tháng là thời gian rất ngắn để đánh giá các bạn, vậy nên việc sát sao trong thời gian các bạn ngồi ở công ty là rất quan trọng. Trò chuyện thăm hỏi thường xuyên để hiểu các bạn đang có khó khăn gì, có khi là với môi trường làm việc, có khi là bị mentor bỏ rơi,…và từ đó hỗ trợ các bạn kịp thời để thích nghi. Nếu công ty có điều kiện thì thường xuyên tạo điều kiện cho các bạn gặp gỡ để chia sẻ, gắn gắn kết (Tổ chức các hoạt động team building, giao lưu với tiền bối để được chia sẻ kinh nghiệm).
? Tuyển chọn đã khó, giữ còn khó hơn. Đây là câu chuyện chung của các công ty, kinh nghiệm mình thấy tỉ lệ nghỉ việc của Fresher sau 1 năm là trên 50% và sau 2 năm là trên 80%, thậm chí còn cao hơn, đơn giản là vì các bạn được đào tạo bài bản và tuyển chọn kỹ lưỡng nên năng lực cũng có phần nổi trội trên thị trường. Việc giữ người phụ thuộc rất nhiều vào chính sách mỗi công ty và anh sếp đầu đàn, ở công ty cũ mình trước đây mình thấy có một đội mà anh sếp giữ người rất tài và sau tầm 4 năm các bạn Fresher đều là key person trong đội của anh ấy, họ đã kiếm được khá nhiều tiền cho business của mình.
?Thà bỏ sót hơn tuyển lầm. Với một số vị trí tuyển Fresher thì thì chỉ có một số trường ĐH là thực sự phù hợp (Cái này mình không share chi tiết vì nó mang tính chất đánh giá “người” khác, bạn nào quan tâm mình có thể chia sẻ riêng). Vậy nên giai đoạn tuyển chọn không nên mất quá nhiều thời gian, đặc biệt là thời gian phỏng vấn cho nhóm Ứng viên tốt nghiệp các trường chưa phù hợp. Như mình đã chia sẻ, chương trình Fresher nếu tỉ lệ rơi rớt sau chương trình tầm 30% là ổn, tức là kiểu gì cũng sẽ có 30% trở lên số bạn không được tuyển vào chính thức sau chương trình. Và đây là giai đoạn khó khăn của nhóm dự án vì sau 2-3 tháng gắn bó với các bạn thì bắt đầu nảy sinh tình cảm gắn bó, ngược lại các bạn cũng thế, có nhiều bạn đã khóc trước mặt mình khi biết bạn chưa được chọn vô làm chính thức.
? Đừng chọn Sinh viên top, đơn giản vì các bạn này rất dễ có học bổng đi du học và dễ bị “săn” bởi các ông lớn.
?Phải có KPI. Nên đưa việc tuyển dụng Fresher vào KPI của nhóm dự án, đặc biệt là các Hiring Manager/Mentor vì các anh sẽ phải mất rất nhiều thời gian cho việc tuyển chọn và đào tạo, hương dẫn các bạn.
? Dự án thực tế. Nên có dự án thực tế cho Fresher làm trong thời gian đào tạo ở công ty. Khác nhau lớn nhất giữa trường Đại học và Công ty là lý thuyết và thực hành, các bạn vô công ty thì rất mong mỏi được va chạm thực tế công việc. Vậy nên khi Fresher chỉ được làm những dự án giả lập hay research thì các bạn cũng sẽ rất dễ nản. Nếu cho làm thật thì công ty nhớ lưu ý vấn đề bảo mật thông tin.
8️⃣0️⃣ Nguyên tắc 80%. Nghĩa là trong quá trình tuyển chọn, chỉ có khoảng 80% các bạn tham gia dù đã “hứa”. Xác nhận đến làm test nhưng chỉ có 80% các bạn chịu đến, phỏng vấn cũng thế. Offer 10 bạn thì cũng chỉ có 8 bạn nhận việc.
*Photo: Internet