10
Share:

Gần đây nghe câu chuyện tuyển Fresher của 2 công ty chợt làm mình “ngứa nghề” hơn nữa thầm nghĩ đây cũng là kinh nghiệm mà không phải ai cũng may mắn có được cơ hội trải qua.

Khái niệm Fresher trong mảng tuyển dụng IT có từ cách đây 7-8 năm và mình may mắn là một trong những người đầu tiên có cơ hội làm công việc này, dự án đầu tiên chỉ tuyển khoảng hơn 10 bạn đầu vào, số lượng tăng theo mỗi năm và mình có cơ hội tham gia dự án cùng với các đồng đội đầy nhiệt huyết, mỗi năm cung cấp cho công ty gần trăm bạn, quản lý chi tiêu ngân sách cả nửa tỷ hàng năm với nhiều mảng công việc khác nhau: IT (Web Developer các ngôn ngữ, Mobile Developer, System,…); Game Design; Marketing; Product Operation; Game Artist, Game Developer.

Những gì mình chia sẻ không thể gọi là thành công thành tích quái gì nhưng với mình đó là kinh nghiệm rất quý báu mà không phải ai làm tuyển dụng IT cũng có cơ hội trải qua.

Tuyển Fresher trong IT dễ hay khó? Đa số các Hiring manager/CEO đều nghĩ tuyển Fresher là rất dễ, Fresher tạm hiểu là Sinh viên mới/sắp ra trường mà, đầy ra ngoài kia. Tuy nhiên xin thưa, không dễ lắm đâu ạ mà nếu để đạt hiệu quả thực sự thì việc tuyển dụng này rất khó và mất thời gian khi công ty làm 1 – 2 năm đầu tiên. Vì sao khó xin xem tiếp quá trình tuyển được chia sẻ bên dưới.

Mình tạm chia làm 3 giai đoạn và chia sẻ công việc cụ thể cũng như thử thách của từng giai đoạn.

1. Trước khi tuyển: Trước khi các bạn vào công ty
2. Trong khi tuyển: Thời gian các bạn được đào tạo tại công ty
3. Sau khi tuyển vào: Sau khi đào tạo xong

?? Giai đoạn 1: Trước khi tuyển

Đây là giai đoạn nhiều việc phải làm nhất và nếu làm lần đầu thì càng rất nhiều việc. Trước khi bắt đầu thông báo chương trình tuyển Fresher công ty/Hiring Manager cần làm rõ các ý sau:

? Hiểu thống nhất khái niệm Fresher vì khái niệm này mỗi người hiểu rất khác nhau: Sinh viên năm 3,4 sắp ra trường? Sinh viên mới ra trường chưa đi làm? Sinh viên đã ra trường làm được vài tháng? -> Khái niệm nào là phù hợp với công ty mình, với thị trường để tất cả nhóm dự án hiểu giống nhau là rất quan trọng. Cách đây 1 tháng mình có cơ hội chia sẻ với nhóm Sinh viên của Bách Khoa, khi mình hỏi bạn nào đã đi làm rồi thì trong hội trường khoảng gần 150 bạn SV năm 3, 4 có đến hơn 70% bạn đưa tay lên. Vì vậy thời điểm này công ty nào hiểu Fresher là các bạn đã ra trường đi làm thì xác định là tuyển rất khó nhé vì các công ty khác “hốt” hết rồi.

✍️ Mục tiêu chương trình là gì? Hay dễ hình dung hơn là các anh muốn 1 bạn Fresher sau khi tham gia chương trình mình xong thì bạn đó trông ra thế nào? Bạn đó có thể làm được công việc gì, giúp anh/team anh/công ty giải quyết vấn đề gì? Câu trả lời đó là vị trí mà mình muốn tuyển sau khi các bạn “ra lò” (Chức danh, mô tả công việc, kỹ năng cần có) và thông thường khi thực hiện chương trình Fresher, công ty sẽ giải quyết được khảng 30% nhu cầu tuyển dụng hàng năm với thời gian và ngân sách nhỏ hơn rất nhiều nếu tuyển dụng thông thường, dĩ nhiên bên cạnh đó là quá trình làm việc sấp mặt của nhóm dự án.

❓Công ty sẽ cho các bạn làm gì, học gì trong thời gian tạm gọi là đào tạo ở công ty? Rất nhiều việc phải làm rõ ở giai đoạn này:

o Thời gian đào tạo là bao lâu? 2 tháng, 3 tháng hay 6 tháng? Vì sao cần thời gian như vậy?
o Đào tạo gì? Chuyên môn các bạn sẽ được học gì, kỹ năng mềm có được dạy trong chương trình không? Tại sao cần học những nội dung này? Mỗi nội dung sẽ được học trong bao lâu? Phương pháp đào tạo như thế nào? (On the job training hay tổ chức lớp hay mentor, coaching?) Ai là người dạy? ->Và quan trọng nhất đoạn này phương pháp, cách thức đánh giá các bạn như thế nào trong và sau quá trình đào tạo? (Làm bài kiểm tra, làm dự án,…) Như thế nào là đạt hay không đạt?

⚠️ Đa phần các anh Hiring Manager nghĩ đoạn này rất đơn giản, cứ tuyển vào, chỉ cho mấy kiến thức cơ bản, dạy 1-2 ngôn ngữ lập trình chừng 1-2 tuần rồi vào việc ngay. Và đó là sai lầm, nếu không thực hiện được bài bản như bên trên thì tốt nhất nên tuyển Intership nha vì không khéo các anh sẽ làm cho công ty bị tai tiếng và sau 1-2 năm khi nhắc tới chương trình Fresher của công ty anh thì 10 bạn sẽ có hết 9 bạn quay lưng, còn lại 1 bạn apply vì mãi chưa tìm được việc.

o Sau khi thống nhất được nội dung và thời gian đào tạo thì bước tiếp theo là xác định đối tượng mình muốn tuyển. Là SV năm mấy? Trường nào? Vì sao chỉ chọn những trường này? Tiêu chí tuyển chọn đầu vào là gì? (Trường, Điểm, Điểm một số môn học,…). Khi các anh đưa ra bất kỳ tiêu chí nào trong đoạn này thì các anh nên nghĩ LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐÁNH GIÁ được tiêu chí đó và vì sao cần tiêu chí đó? Làm bài test chuyên môn hay phỏng vấn? Phỏng vấn thì hỏi gì, hỏi như thế nào để xác định được? Nếu không đạt tiêu chí đó thì chuyện gì sẽ xảy ra?

o Tiêu chí và cách thức tuyển chọn đầu vào? Ngoài nhưng tiêu chí bên trên thì cần thêm gì nữa để tuyển chọn? Làm bài test? Test gì? Phỏng vấn? Làm assignment?… Và phải thống nhất được số lượng đầu vào (Tham gia chương trình đào tạo Fresher) và đầu ra (Được giữ lại làm việc chính thức), kinh nghiệm mình thấy thì tỉ lệ vào/ra là 10/7 là phù hợp nếu thấp hơn thì chi phí sẽ khá cao.

o Thời gian cụ thể của chương trình? Khi nào các bạn vào công ty ngồi và bắt đầu quá trình đào tạo? Khi nào thi tuyển chọn (Test, Phỏng vấn,…), khi nào thì truyền thông? Thông thường quá trình truyền thông mất ít nhất 6 tuần nếu muốn tuyển số lượng lớn (Trên 10 bạn) và cũng tuỳ mùa tốt nghiệp của Sinh viên. Sau đó cần 1 tháng để test, phỏng vấn hay tuyển chọn. Kinh nghiệm mình thấy để tuyển được 1 bạn Fresher thì phải phỏng vấn ít nhất 4 bạn, để có 4 bạn tới phỏng vấn phải mời 5 bạn, có 5 bạn đạt yêu cầu phỏng vấn thì phải có gấp 2 lần số này đến làm bài test chuyên môn, tức là cần 10 bạn đến làm test và để có 10 bạn đạt yêu cầu làm test thì cần ít nhất gấp 2 lần tức là khoảng 20 bạn ứng tuyển cho chương trình. Vậy để tuyển 10 bạn thì phải cần ít nhất 200 bạn ứng tuyển, backup 20% vì các bạn không đến trong các khâu là cần 240 bạn đăng ký tham gia chương trình. 240 bạn đăng ký trong 6 tuần tức là mỗi tuần 40 bạn đăng ký, vậy mỗi ngày phải có 5 – 6 bạn đăng ký, thử thách không hề nhỏ cho nhóm dự án. Số này chỉ là tương đối và còn tuỳ thuộc và brand name công ty, yêu cầu tuyển đầu vào,…

? Chương trình của mình có gì thú vị, hấp dẫn để truyền thông và thông điệp mình đi truyền thông là gì? Đoạn này cần phối hợp của HR, Hiring Manager và Marketing/Truyền thông. Thị trường IT hiện tại rất cạnh tranh, để tuyển được các bạn trẻ giỏi và phù hợp thì công ty cần có chiến lược và thông điệp rõ ràng trong chương trình để truyền thông. Cũng giống các bạn đi làm có kinh nghiệm khác, Fresher sẽ quan tâm: Lương và phúc lợi được hưởng, Cơ hội học hỏi phát triển như thế nào? Môi trường làm việc, sếp, đồng nghiệp là ai? Chỗ này quan trọng nhất cần xác định mức lương cụ thể trong thời gian các bạn được đào tạo? Làm full-time hay part-time hay được off bao nhiêu buổi trong tuần?

❓Làm thế nào để tiếp cận được các bạn Ứng viên? Đoạn này là công việc và chuyên môn của HR. Đến trường? Đến bằng cách nào? Chạy quảng cáo, Dán banner? Làm Company tour?…Và cụ thể là ai làm? Làm khi nào? Làm như thế nào?

Một khối lượng công việc khổng lồ trong giai đoạn này sau khi thống nhất được các nội dung bên trên và phải thành lập nhóm dự án ít nhất bao gồm: Technical Manager/Hiring Manager; Tuyển dụng; Đào tạo; Marketing/Truyền thông. Task đây, nhìn vào thì chắc biết ai làm rồi

– Viết JD để đi truyền thông – Hiring Manager
– Thiết kế poster và viết content để truyền thông
– Form/cách nhận thông tin ứng tuyển
– Truyền thông các kênh từ online đến offline, tổ chức các hoạt động với trường DH để tiếp cận với SV
– Tìm người cho dự án: Quan trọng nhất là Trainer và Mentor của chương trình
– Xây dựng nội dung bài test (Chuyên môn, IQ, English,…) – Hiring Manager
– Xây dựng nội dung đào tạo – Hiring Manager/Trainer/Mentor
– Xây dựng nội dung bài assignment – Hiring Manager/Trainer/Mentor
– Xây dựng kịch bản, nội dung phỏng vấn
– Các form mẫu đánh giá: Test, phỏng vấn, assigment
– Địa điểm làm test nếu có test (Test tập trung lần vài chục người)
– Sắp xếp lịch và tham gia phỏng vấn
– Chỗ ngồi khi Fresher vào và máy móc thiết bị cần thiết.
– Soạn hợp đồng cho Fresher
– Kế hoạch, ngân sách

Giai đoạn chuẩn bị tạm thời như thế, mình nhớ thêm gì nữa sẽ bổ sung. Bài tiếp theo mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm và các công việc phải làm trong 2 gian đoạn còn lại.

*Photo: Internet