TRAINING tốn ít thời gian và chi phí, Training phù hợp cho những bạn muốn có thêm kiến thức mới hoặc hệ thống lại kiến thức một cách đầy đủ, bài bản. TRAINING chỉ cung cấp KIẾN THỨC, muốn có kỹ năng bạn đi học về phải luyện tập, thực hành, vận dụng thường xuyên.
Khi đã đi học rồi, bạn biết chính xác là cần phải làm gì nhưng một thời gian bạn vẫn chưa thực hiện được. Nói một cách khác, lúc đó rào cản thực sự chính là suy nghĩ, là con người bên trong bạn, lúc này chúng ta cần một COACH.
Ví dụ bạn muốn giảm cân và biết chính xác các phương pháp, cách thức để giảm cân nhưng mãi mãi vẫn không giảm được, lúc này bạn sẽ cần một người Coach. Coach không cung cấp kiến thức, phương pháp và thậm chí COACH cũng KHÔNG CẦN CÓ CHUYÊN MÔN TRONG LĨNH VỰC CỦA BẠN vẫn có thể giúp bạn. Coach sẽ giúp bạn kích thích tư duy, nhận thức để thay đổi góc nhìn về sự việc, tạo động lực để bạn vượt qua các rào cản từ bản thân, từ đó làm việc hiệu quả hơn. Coach sẽ không đưa ra lời khuyên, giải pháp cho bạn. Bạn không đạt được mong muốn là do có khó khăn cản đường, tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, khó khăn không hề cản đường mà cách nhìn của bạn về khó khăn đã cản đường của mình, Coach sẽ giúp bạn đưa ra những góc nhìn, nhận thức mới để vượt qua những rào cản, tiến đến thành công.
Ở môi trường công sở chúng ta hay dùng từ Coach (Tôi coach cho Nhân viên của tôi) và có vẻ chúng ta hơi lạm dụng vì thực tế, bản chất đúng của Coach là KHÔNG ĐƯA RA LỜI KHUYÊN, KHÔNG TƯ VẤN HAY HƯỚNG DẪN, Coach chỉ đặt câu hỏi nhằm gợi mở tư duy, suy nghĩ của Coachee rồi họ tự đưa ra giải pháp, hành động cho những vấn đề của mình.
Điểm khác nhau nữa giữa COACHING và TRAINING là trong coaching, mục tiêu, kết quả đạt được của quá trình coaching là do Coachee tự đặt ra và thống nhất với Coach, còn mục tiêu của một chương trình training là do Trainer đặt ra.
Coaching sẽ giúp Coachee thay đổi THÓI QUEN, hình thành những thói quen mới (thay đổi HÀNH VI), chính vì vậy coach cần rất nhiều thời gian, thông thường quá trình coach sẽ tính bằng tháng trở lên và coaching thường là 1-1, chính vì vậy chi phí đầu tư cho coaching sẽ cao hơn training.
Tóm lại, khi bạn thấy mình muốn được cập nhật bản thân để trở thành một version mới tốt hơn version hiện tại, bạn đi học thêm kiến thức mới không thôi sẽ chưa đủ, bạn nên tìm cho mình một Coach. Bạn đi học (Training) một món gì đó nhưng về ứng dụng thì vẫn còn thấy lúng túng hoặc chưa biết ứng dụng như thế nào thì bạn có thể tìm Coach cho mình.
Khi bạn có những nỗi sợ (Khi chuẩn bị LÀM hay KHÔNG LÀM) một việc gì đó hoặc bạn không biết phải ra quyết định như thế nào trong tình huống của mình, có thể lúc này bạn sẽ cần một Coach.
Ví dụ bạn đang không hài lòng với công việc hiện tại nhưng cũng không tự tin quyết định có nên làm tiếp hay xin nghỉ, lúc này bạn cần tìm Coach cho mình.
Trải nghiệm của Thanh trước đây là việc xây dựng và thiết kế khoá học public, ban đầu Thanh rất nhiều lo ngại, nỗi sợ gần như khoả lấp cả những khát khao chia sẻ. Sợ làm không tốt thì bị chê, sợ ảnh hưởng đến công việc ở công ty, sợ không ai đăng ký học,…và Thanh quyết định gặp Coach của mình. Sau vài buổi trao đổi, chỉ bằng cách đặt câu hỏi của Coach, Thanh tự có câu trả lời của mình và vượt qua một số nỗi sợ để sẵn sàng đối đầu với những thử thách khi làm. Coach không những đã giúp Thanh làm rõ những mong muốn, lo toan thực sự của mình để có sự chuẩn bị tốt mà còn động viên, giúp Thanh tự tin hơn rất nhiều trong những quyết định của mình, đây có thể nói là giá trị lớn nhất mà Coach mang lại cho Coachee – sự chia sẻ, đồng hành và thúc đẩy niềm tin.