10
Share:

Như các bạn đã biết, trong quá trình tuyển dụng, vai trò của người phỏng vấn rất quan trọng và qua kinh nghiệm thực tế mình thấy có rất nhiều trường hợp UV từ chối lời mời nhận việc của công ty bởi lý do chính là vì một số sai lầm xuất phát từ người phỏng vấn, có 7 sai lầm phổ biến sau:

Sai lầm thứ nhất : Không xem kỹ hồ sơ trước khi phỏng vấn: Một số phỏng vấn viên (PVV) thường đợi đến buổi phỏng vấn mới mở CV của UV lên xem trước mặt UV, việc này sẽ làm mất thiện cảm với UV và quan trọng hơn là vì phải xem trong thời gian gấp rút nên PVV thường sẽ bị bỏ sót những thông tin quan trọng trên CV.

Để khắc phục sai lầm này, PVV nên dành ít nhất 10 phút trước buổi hỏng vấn để xem kỹ CV, ghi chú những điểm cần hỏi và làm rõ thêm trên CV,  PVV có thể chuẩn bị trước một số câu hỏi để có thể tìm hiểu kỹ về kinh nghiệm của UV.  Để thuận tiện hơn PVV có thể yêu cầu BP Nhân sự/Tuyển dụng hỗ trợ mình việc này bằng cách in CV mang đến cho chúng ta trước giờ PV 15 phút (Ngay khi Calendar làm việc nhắc nhở lịch hẹn phỏng vấn).

 

Sai lầm thứ 2  là PVV thường có xu hướng muốn tuyển người giống mình, ví dụ PVV là người du học Nước ngoài về thì chỉ thích tuyển UV từng đi du học Nước ngoài hay PVV là người cần cù vượt khó thì khi gặp UV như vậy sẽ rất thích và có xu hướng chọn ngay.

Việc này sẽ ảnh hưởng đến kết quả tuyển dụng vì PVV rất dễ bị cảm tính khi đánh giá trong những tình huống như vậy, đồng thời cũng có thể vì chỉ thích kiểu người như vậy nên nguồn UV (Pool) sẽ bị thu hẹp làm cho quá trình tuyển dụng có thể bị chậm lại.

Để khắc phục sai lầm này thì PVV nên xác định rõ những điểm sau trước khi bắt đầu phỏng vấn:

  • Công việc/KPI của vị trí đang tuyển;
  • Năng lực cần thiết để làm tốt cv này;
  • Cần bổ sung tính cách/năng lực nào cho đội/nhóm, phòng ban của mình

PVV/Người quản lý cần phải hiểu rõ năng lực/tính cách của từng NV, giao việc/hướng dẫn và có những kế hoạch phát triển nghề nghiệp phù hợp.

 

Sai lầm thứ 3 là PVV biến buổi phỏng vấn thành buổi độc thoại của mình và show-off bản thân.

Sai lầm này chẳng những làm cho PVV không có đủ thông tin để đánh giá UV sau buổi PV mà còn có thể làm cho UV có ấn tượng không tốt về mình, về công ty, trường hợp xấu hơn là UV sẽ “bốc phốt”, phơi bày việc này trên mạng xã hội làm ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh cá nhân người PV cũng như thương hiệu tuyển dụng của công ty.

Để khắc phục tình trạng này thì PVV nên có kịch bản phỏng vấn để kiểm soát thời gian và nhớ kỹ nhiệm vụ CHÍNH của chúng ta trong buổi phỏng vấn là HỎI, LẮNG NGHE và GHI CHÉP, nói hay trình bày là phần của UV.

 

Sai lầm thứ 4 là PVV cãi tay đôi hay chê bai UV trong quá trình phỏng vấn, mình nhận định đây là sai lầm bởi vì đôi khi điều chúng ta đã biết chưa chắc đúng trong mọi tình huống và có khi vấn đề chỉ là do quan điểm, góc nhìn của mỗi bên, vậy nên PVV nên lắng nghe chia sẻ của UV và nếu thực sự thấy UV thể hiện kinh nghiệm, hiểu biết nào đó chưa đúng thì hãy chia sẻ với UV một cách nhẹ nhàng: Điều bạn chia sẻ/trình bày vừa rồi theo kinh nghiệm của mình thì là như vầy…bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn nếu có thời gian nhé.

Hãy nhớ rõ mục đích của buổi phỏng vấn là để hiễu rõ năng lực và sự phù hợp của UV chứ không phải để xác định ai đúng ai sai hay ai giỏi hơn ai.

 

Sai lầm thứ 5 là PVV hứa hẹn với UV rất nhiều trong buổi phỏng vấn từ cơ hội phát triển, các phúc lợi, điều kiện làm việc và thậm chí là lương thưởng. Việc hứa hẹn về tương lai để cố gắng thuyết phục UV vào làm trong khi những điều này chúng ta chưa thể chắc chắn được 100% là không nên vì sau này khi UV vào làm và nhận thấy lời hứa chưa được thực hiện thì họ sẽ thất vọng rất nhiều, trường hợp xấu có thể sẽ nghỉ việc ngay, lúc đó chúng ta vừa phải mất thời gian tuyển lại vừa làm ảnh hưởng đến thương hiệu tuyển dụng của công ty.

Vậy nên mình khuyến khích khi phỏng vấn, chúng ta nên chia sẻ cả lợi thế và thử thách của vị trí đang tuyển, sẽ thuyết phục hơn nếu PVV có thể chia sẻ cho UV câu chuyện thật của mình vì sao bản thân mình đến làm việc và gắn bó với công ty. Và đặc biệt PVV KHÔNG nên hứa hẹn bất cứ điều gì với UV mà mình không chắc chắn.

 

Sai lầm thứ 6: PVV không chịu dành thời gian quảng bá cho công ty trong buổi phỏng vấn, việc quảng bá về công ty cho UV là rất quan trọng vì đây là cơ hội rất tốt để UV hiểu rõ hơn về tầm nhìn, sứ mệnh cũng như định hướng phát triển của công ty hay của phòng ban đang tuyển dụng. UV cần hiểu rõ để đánh giá sự phù hợp của bản thân với công ty và nếu UV này chưa phù hợp thì có thể bạn sẽ giới thiệu bạn bè, đồng nghiệp cho chúng ta nếu công ty cung cấp thông tin rõ ràng, và để lại ấn tượng tốt cho UV trong quá trình tuyển dụng.

Thông thường trước khi kết phút buổi Pv, PVV nên dành 5 đến 10 phút để giới thiệu kỹ hơn về công việc, công ty, phòng ban mình đang tuyển dụng cũng như chia sẻ về môi trường làm việc, các chính sách phúc lợi của công ty – điều mà bất kỳ UV nào cũng rất cần khi ra quyết định có gia nhập vào công ty hay không.

 

Sai lầm thứ 7 cũng là sai lầm cuối cùng hay gặp phải là PVV phản hồi kết quả PV quá chậm và không phản hồi đánh giá chi tiết về UV cho bô phận Tuyển dụng/Nhân sự.

Việc phản hồi chậm có thể đánh mất cơ hội tuyển được UV vì UV nhận công việc khác. PVV không phản hồi chi tiết đánh giá UV thì BP Nhân sự/Tuyển dụng sẽ không hiểu vì sao UV chưa phù hợp nên không thể rút kinh nghiệm mà tìm UV phù hợp hơn.

Vậy nên mình khuyến khích PVV và Nhân sự nên ngồi lại với nhau khoảng 5 phút để chia sẻ trực tiếp nhận định, đánh giá của mình về UV sau buổi phỏng vấn và nếu thấy UV phù hợp thì ra quyết định và thông báo kết quả cho UV ngay ngày hôm sau.

Tóm tắt lại 7 sai lầm:

  • Một là không xem kỹ hồ sơ trước khi phỏng vấn;
  • Hai là muốn tuyển người giống mình;
  • Ba là biến buổi phỏng vấn thành buổi độc thoại của người phỏng vấn;
  • Bốn là cãi tay đôi, chê bai UV;
  • Năm là hứa hẹn rất nhiều trong phỏng vấn;
  • Sáu là không chịu quảng bá cho công ty;
  • Bảy là phản hồi kết quả rất chậm.

Chúc các bạn có thể hạn chế được những sai lầm nêu trên để có thể xây dựng được hình ảnh tích cực, chuyên nghiệp với UV của mình trong các buổi phỏng vấn.

*Photo: Internet