Coaching hôm trước, Thanh chia sẻ góc nhìn của mình về coaching và trước hết là hiểu và phân biệt sự khác nhau giữa các phương pháp phát triển con người phổ biến:
- Tư vấn (Consulting): Người tư vấn thường là một cá nhân có kinh nghiệm, kiến thức và chuyên môn sâu trong một lĩnh vực nào đó, họ sẽ là người “bắt mạch”, chẩn đoán cho bạn về vấn đề bạn đang gặp phải, sau đó họ dùng kiến thức, kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực đó để đề xuất giải pháp cho bạn thực thi giúp bạn thay đổi, đôi khi người tư vấn còn là người thực thi giải pháp cho bạn luôn. Khác với tư vấn, trong coaching người coach tin rằng bạn có thể tìm ra câu trả lời nằm ở sâu thẳm bên trong chính bản thân mình.
- Cố vấn (Mentoring): Có thể hiểu như là người đi trước dẫn dắt người đi sau dựa trên kinh nghiệm của họ trong một lĩnh vực nào đó, thường thì họ sẽ đưa ra lời khuyên, chỉ dẫn cho người được dẫn dắt. Người cố vấn có thể kết hợp cả training, consulting và coaching để giúp đỡ người được cố vấn. Khác biệt lớn nhất giữa coaching và cố vấn đó là coach không hẳn phải là chuyên gia trong lĩnh vực của bạn.
- Đào tạo (Training): Người đào tạo (Trainer) thường là người có hiểu biết sâu rộng hoặc có kinh nghiệm về lĩnh vực họ dẫn giảng, trainer sẽ hệ thống hoá và cung cấp kiến thức, phương pháp để thực hiện một công việc, tác vụ nào đó và có mục tiêu rõ ràng đã được định ra ngay từ trước. Khác với đào tạo, coaching sẽ tiếp cận vấn đề theo mục tiêu của coachee (Người được coach) bằng cách đặt câu hỏi giúp coachee nâng cao nhận thức của mình, từ nhận thức mới, coachee tự giải quyết vấn đề của mình. Trong coaching, coach tin tưởng hầu hết coachee mới là người hiểu rõ vấn đề của mình nhiều nhất và họ có đầy đủ khả năng để giải quyết vấn đề, chỉ là họ bị “kẹt” lại trong suy nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề.
- Coaching (Khai vấn): Coaching là quá trình đồng hành, hợp tác giữa Coach (Người hướng dẫn) và Coachee (Người được hướng dẫn), khi đó thông qua quá trình đặt câu hỏi, Coach sẽ giúp cho Coachee kích thích tư duy, nhận thức để thay đổi góc nhìn về sự việc, tạo động lực nhằm tối ưu hoá những tiềm năng của Coachee để làm việc hiệu quả hơn. Coach sẽ không đưa ra lời khuyên, giải pháp cho Coachee. Con người thường không đạt được mong muốn là do có khó khăn cản đường. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, khó khăn không hề cản đường mà cách nhìn của con người về khó khăn đã cản đường họ.
Có nhiều mô hình coaching, tuy nhiên tới thời điểm hiện tại mình mới chỉ được tiếp cận và học qua 2 mô hình GROW và MIND nên mình xin chia sẻ một ít thông tin vè 2 mô hình này:
GROW:
- Goal: Xác định được điều gì bạn cần đạt được.
- Reality: Tìm hiểu tình huống hiện tại, những dữ liệu liên quan trong quá khứ và xu hướng có thể xảy ra trong tương lai.
- Option: Đưa ra những giải pháp giúp xử lí tình huống.
- Will: Dự trù những điều có thể xảy ra và đưa ra một kế hoạch cụ thể.
MIND:
- Motives: Xác định động cơ, động lực hành động của Coachee
- Inside: Xác định vấn đề bên trong chủ thể của Coachee
- New Perspective: Cách nhìn mới về vấn đề, góc nhìn khác
- Development stages: Kế hoạch hành động
4 nguyên tắc giúp Coachee có cái nhìn mới về tình huống, vấn đề đang gặp phải:
- Tâm trí trải nghiệm: Không thể thay đổi quá khứ nhưng có thể thay đổi cách nhìn về quá khứ để học hỏi từ những trải nghiệm.
- Tâm trí nhìn xa: Nhìn về tương lai tươi sáng để có động lực.
- Tâm trí tập trung: Bản thân chủ động kiểm soát các yếu tố tạo ra khó khăn từ môi trường bên ngoài – thay đổi góc nhìn, hành vi để thích nghi.
- Tâm trí kết nối: Học hỏi từ tấm gương của những người mình ngưỡng mộ.
Các bước giúp Coachee phát triển tiềm năng:
- Hiểu mình muốn gì
- Bản thân có lợi thế, điểm mạnh gì
- Yếu tố nào đang ngăn cản mình phát triển
- Tìm giải pháp, hướng đi
- Đề ra kế hoạch và cam kết thực hiện
- Kiên trì hành động và điều chỉnh.
Hình minh hoạ là bìa và một đoạn của quyển sách COACHING FOR PERFORMANCE. Đoạn này nói về việc Coach không cần có kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực của Coachee, Coach chỉ làm công việc awareness raiser – Người nâng cao nhận thức – tức là giúp cho Coachee nâng cao nhận thức, từ nhận thức mới, coachee tự giải quyết vấn đề của mình. COACHING FOR PERFORMANCE có thể được xem là quyển “kinh thánh” trong coaching, hiện có tái bản lần thứ năm (Bìa màu đen), bìa màu vàng bên trên là quyển tái bản lần 4, sách này hình như mình chưa thấy bán ở Việt Nam.
*Photo: Internet