10
Share:

Như mình đã chia sẻ lần trước, 3 nguồn tuyển dụng hiệu quả nhất hiện nay (Chiếm đến gần 80%) đối với ngành IT/hi-tech là Giới thiệu nội bộ; Networking/hunting và Searching. Lần này chúng ta sẽ bàn sâu vào 2 nguồn Networking Searching.

1. Networking có thể hiểu là chúng ta xây dựng và tận dụng các mối quan hệ để nhờ bạn bè, đồng nghiệp cũ, người thân giới thiệu cho mình các ứng viên (UV) tiềm năng.

Để networking hiệu quả cần lưu ý một số việc sau:

  • Xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp: Theo mình nền tảng vững bền của các mối quan hệ đó là sự CHÂN THÀNH cộng với nguyên tắc CHO ĐI RỒI SẼ ĐƯỢC NHẬN. Việc xây dựng mối quan hệ là một nghệ thuật, có rất nhiều sách viết về chủ đề này và một trong những quyển mình từng đọc và thấy khá hay là “Đừng bao giờ đi ăn một mình”, quyển này nếu biết khéo léo kết hợp với “Đắc nhân tâm” nữa thì kết quả cũng vi diệu lắm đấy.
  • Chúng ta có rất nhiều mối quan hệ trong xã hội, vậy ngoài bạn bè, người thân nên quan hệ thường xuyên/tập trung với ai?

Cộng đồng mạng, đặc biệt là Facebook: Khoảng 1 năm trở lại đây thì mình thấy việc tuyển dụng thông qua kênh FB (Share, post job trên wall nhà mình, trên các group) không còn hiệu quả như trước vì thông tin ngày càng quá nhiều, hỗn loạn, vào các group hầu hết đều thấy thông tin tuyển dụng nên không tránh khỏi làm cho các Facebooker ngán ngẫm đến mức chẳng buồn đọc.

Việc post/share thông tin tuyển dụng này chỉ hiệu quả khi: 1. Cty bạn đã có danh tiếng tốt trên thị trường lao động; 2. Các vị trí tuyển dụng level thấp; 3. Bản thân người post/share thông tin cũng phải có một chút cái gọi uy tín trong cộng đồng mạng. Uy tín ở đây tức là bạn cũng được nhiều người quan tâm, quý mến trên cộng đồng online mà đề được như thế thì phải hết sức chú ý tới các hoạt động hàng ngày trên mạng xã hội (MXH) của mình. Một người suốt ngày lên FB chửi đổng, nói xấu cty cũ,than thở tiêu cực hay chỉ up hình tự sướng mang tính chất khoe của thì có post thông tin tuyển dụng chia sẻ những thông tin, kiến thức có ích cho cộng đồng thì khi bạn post thông tin tuyển dụng ít nhiều sẽ được quan tâm tốt hơn.

Ứng viên: Xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt với UV là điều cực kỳ quan trọng. Khi có cơ hội tiếp xúc/phỏng vấn UV hãy thể hiện sự chân thành trong việc làm cầu nối giữa UV và công ty và nếu được hãy chia sẻ những điều có thể giúp UV cải thiện tốt hơn trong các buổi phỏng vấn hoặc có thể giúp UV định hướng nghề nghiệp nếu cần. Thời đại công nghệ nên chắc chắn các UV của chúng ta sẽ sử dụng MXH, công cụ chat (Skype/Viber, Zalo,…) vì vậy nên cố gắng giữ liên lạc với UV dù tại thời điểm đó UV chưa phù hợp với cty bạn (Ít nhất 1 tháng/lần chat, SMS, gọi điện thăm hỏi, chia sẻ thông tin bổ ích với các UV mà bạn thấy thực sự có khả năng/giỏi ở lĩnh vực nào đó). UV chưa phù hợp này khả năng giới thiệu được UV khác phù hợp hơn cho chúng ta là rất lớn.

Tránh tuyệt đối có thái độ coi thường UV, đặc biệt là nói xấu, chê bai trên MXH, bạn không biết được UV hoặc bạn bè của UV sẽ đọc được những chia sẻ tiêu cực đó của bạn đâu.

Ở chiều ngược lại, UV cũng đừng bao giờ chê bai hay nói xấu Nhà TD/cty, không yêu đừng nói lời cay đắng và hãy suy nghĩ tích cực, vị tha hơn nếu lỡ ai đó làm phật lòng bạn. Công ty, cá nhân nào cũng có điểm tích cực và điểm cần cải thiện, nếu có lòng hãy góp ý chân thành trên tinh thần xây dựng, như thế người ta sẽ biết ơn, quý mến bạn hơn, chê bai, chỉ trích không giúp ích nhau được gì cả.

Hãy biết quý trọng và đừng xem nhẹ bất kỳ mối quan hệ nào. Một bạn hiện tại đang là Sinh viên lận đận tìm chỗ thực tập nhưng 5 năm sau có thể bạn ấy sẽ là Marketing Manager của một Tập đoàn đa quốc gia. Vẫn là nguyên tắc hãy suy nghĩ tích cực, cho đi rồi sẽ nhận các bạn nhé.

  • Một điều lưu ý trong việc xây dựng các mối quan hệ là không chỉ nghĩ đến việc tận dụng mối quan hệ để có UV cho mình mà nên biết tìm kiếm, chia sẻ các cơ hội công việc tốt (Ở công ty khác) cho UV và “mai mối” cho các đồng nghiệp làm tuyển dụng ở các cty khác.
  • Hãy dành ít nhất 5% – 10% ngân sách chi tiêu hàng tháng của bạn cho việc xây dựng và duy trì mối quan hệ (Café, ăn trưa, party/nhậu nhẹt,…)
  • Đến một lúc bạn có thể sẽ có rất rất nhiều mối quan hệ, rất nhiều bạn bè, lúc đó bạn phải biết chọn lọc để dành thời gian tập trung vào những mối quan hệ chiến lược.

Bản thân mình khi giao tiếp với bạn bè nhiều khi hay bị phản ánh là bệnh nghề nghiệp bởi vì mình luôn luôn hỏi rất kỹ về nghề nghiệp/công ty của chồng/vợ, bạn trai/bạn gái của bạn bè mình. Điều này cũng khá thú vị bởi vì lúc đó mình nhìn thấy xung quanh mình đâu đâu cũng là ứng viên tiềm năng. Hãy xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với tất cả mọi người, đặc biệt là người giỏi, rồi sẽ có lúc bạn thấy cơ hội công việc cho những mối quan hệ đó.

images (5)

2. Searching (Tìm kiếm profile UV trên các website dịch vụ tuyển dụng), đây là nguồn mà chắc chắn bạn nào làm tuyển dụng cũng đều biết và từng sử dụng nên cũng không có gì để bàn nhiều, đề nâng cao hiệu quả nguồn này cần lưu ý:

  • Hiểu thật rõ về vị trí tuyển dụng mình đang phụ trách để biết được và sử dụng hiệu quả những từ khóa then chốt cho việc tìm kiếm cũng như đánh giá mức độ phù hợp của UV. Nếu không hiểu rõ vị trí tuyển dụng bạn chỉ là cái máy tìm kiếm không hơn google mà thôi.
  • Lựa chọn website/dịch vụ phù hợp: Tùy thuộc vào cấp bậc vị trí, ngành nghề, địa điểm làm việc cũng như ngân sách đang có mà lựa chọn dịch vụ phù hợp. (Bạn nào cần chia sẻ kinh nghiệm chi tiết trong việc lựa chọn website/dịch vụ tuyển dụng cho ngành IT thì có thể liên hệ thêm với mình)
  • Tìm hiểu một chút về thuật toán search của google (AND, OR, NOR,….)
  • Phối hợp hiệu quả giữa các nguồn search tốn phí và miễn phí. Ví dụ search trên Vietnamworks nhưng không credit mà lấy proflie đó search tiếp trên LinkedIn/Facebook, database của mình/công ty hoặc lân la hỏi bạn bè đồng nghiệp để có contact của UV. (Chiêu này rất hiệu quả và thực tế mình thấy tiết kiệm được chi phí sử dụng các DVTD rất nhiều)

Lời kết: Nguồn tuyển dụng tốt nhất đó là sự nhạy bén, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các nguồn khác nhau. Ví dụ tìm trên Vietnamworks sau đó tìm ra facebook của ứng viên (Không tốn tiền credit rồi nhé) rồi thông qua mối quan hệ của mình đề có được những thông tin đánh giá đa chiều về ứng viên.

Tuyển dụng là việc không khó nhưng để mang lại hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho công ty thì là vấn đề không nhỏ. Để nâng cao hiệu quả việc tuyển dụng cần phải có sự ý thức, phối hợp nhịp nhàng giữa các bên: Ban giám đốc/Business Leader; Trưởng Bộ phận chuyên môn; Phòng Nhân sự/Nhân viên tuyển dụng.

Ban GĐ/Business Leader:  phải ý thức được tầm quan trọng của “lưới lọc” – công tác tuyển dụng. Tham gia khá lâu trong cái ngành mà tốc độ phát triển, thay đổi như sấm chớp – Internet/online/hi-tech – bản thân mình chứng kiến cũng như được chia sẻ rất nhiều các trường hợp business thất bại do tuyển người chưa phù hợp.

Hiring Manager: Chịu khó chia sẻ, lắng nghe, quan sát và tìm hiểu thông tin thị trường lao động để có những thay đổi trong cách nghĩ và quyết định đúng đắn khi chiêu nạp đồng đội lên thuyền. Mỗi Hiring Manager hãy là một Headhunter thật sự, #ngungnguocdairecruiter, #ngungnguocdainhansu, đừng xem chuyện tuyển dụng chỉ là chuyện của Nhân sự.

Nhân viên tuyển dụng: Cần thấy được niềm vui, điểm tích cực trong công việc cũng như giá trị mà mình mang lại cho công ty, tổ chức để có động lực làm việc tốt. Linh hoạt phối hợp nhuần nhuyễn các nguồn tuyển dụng để tiết kiệm chi phí; cập nhật xu thế, chủ động tìm tòi nguồn mới và phải biết xây dựng, quản lý hệ thống dữ liệu ứng viên của cá nhân/công ty một cách hiệu quả.

Hy vọng nhận được sự chia sẻ từ các bạn!

*Photo: Internet