TRAINING: Khi bạn cần tìm hiểu thêm kiến thức mới (Tức bạn chưa biết hoặc có biết nhưng còn rất ít), hoặc cập nhật kiến thức cũ một cách bài bản, hệ thống về một mảng/lĩnh vực chuyên môn. Bạn tham gia một lớp đào tạo để được bổ sung kiến thức mới hoặc cũng là để hệ thống, củng cố lại những gì đã biết một cách bài bản, từ đó làm nền tảng để hướng dẫn lại cho người khác những gì mình biết một cách khoa học. Đa phần các Trainer trước khi dạy một “món” nào đó họ đều đã từng đi học và thậm chí học rất nhiều lớp về “món” này ở những ông thầy khác.
Thông thường để trở thành Trainer giỏi người đó phải có 2 khả năng: Thiết kế khoá học và dẫn giảng (Đứng lớp), bên cạnh đó các Trainer (Train cùng một nội dung/chủ đề) khác nhau ở độ “thực chiến”. Trainer càng có thâm niên trong lĩnh vực chuyên môn mà họ dạy thì họ càng có nhiều trải nghiệm, ví dụ, tình huống thực tiễn giúp Học viên dễ hình dung, tiếp thu kiến thức mới, đồng thời do có nhiều trải nghiệm họ có thể chia sẻ, giải đáp các thắc mắc, xử lý các tình huống mà Học viên đã gặp một cách trơn tru, thực tế. Ngược lại cũng có một số Trainer chỉ cần xem bài giảng người khác thiết kế sẵn rồi dạy lại mà không cần (Hoặc không có) khả năng thiết kế bài giảng hoặc không có/có rất ít kinh nghiệm thực chiến.
Ví dụ bạn muốn làm món Chân gà ngâm sả tắc, nếu chưa biết làm thì bạn hoàn toàn có thể đi học hỏi ở những người đã biết làm món này. Biết là một khái niệm hơi trừu tượng, có những người từng làm món này rất nhiều lần nên họ biết cách làm và chỉ cho bạn từng bước như thế nào, làm sao cho gà vừa giòn vừa đủ mềm và có vị thơm. Ngược lại, có những người sẽ biết cách làm bằng cách lên mạng học thuộc công thức, từng bước để làm (Do ai đó ghi lại và họ thậm chí chưa bao giờ làm thử) rồi chỉ cho bạn, bạn cũng có thể làm được.
Khi chọn đi học một “món” nào đó chưa chắc bạn học ông thầy có tiếng là giỏi, nhiều thâm niên, từng làm qua các vị trí cấp cao thì bạn sẽ giỏi hơn hay bạn học được nhiều hơn. Nghe hơi nghịch lý nhưng kinh nghiệm cá nhân mình thấy đi học hiệu quả thì tuỳ thuộc rất nhiều vào cái gọi là phong cách dẫn giảng của ông thầy và nền tảng hiểu biết của người học. Đại khái là cùng một ông thầy nhưng 2 bạn khác nhau đi học về thì họ hoàn toàn có khả năng một người rất thích, tấm tắc ngợi khen, ngược lại thì bạn kia thấy…bình thường, thậm chí là chê. Đơn giản là vì các chương trình đào tạo được thiết kế trên một khung chung còn người học thì rất khác nhau về sự hiểu biết, độ dày kinh nghiệm, tính cách, cảm xúc.
Đi học xong về áp dụng vào công việc thực tiễn lại là một chuyện khác vì những điều được dạy, chia sẻ trong các khoá đào tạo đa phần là phải trong bối cảnh cụ thể mà thường là điều kiện khá lý tưởng, còn vào công việc thực tế của từng người ở từng công ty thì rất khác nhau.
Ví dụ khi đi học về kỹ năng tuyển dụng, các Giảng viên đều nói để tuyển dụng hiệu quả thì người đi tuyển cần chia sẻ đầy đủ định hướng chiến lược, mục tiêu kinh doanh của công ty cho UV, từ đó có thể thuyết phục Ứng viên hiệu quả hơn. Điều này có thể phù hợp và dễ dàng nếu người đi học là HR Manager và họ làm việc sâu sát với BOD. Trong bối cảnh khác là một bạn Chuyên viên tuyển dụng cũng đi học lớp này và hơi kém may mắn là ở công ty bạn, Chuyên viên tuyển dụng chưa được chia sẻ đầy đủ các thông tin (Đơn giản vì HR Manager biết nhưng chưa hoặc không muốn chia sẻ lại); Hay thậm chí có Chuyên viên tuyển dụng ở công ty khác cũng học lớp này và ở công ty bạn thì chiến lược, mục tiêu kinh doanh của công ty gần như là bảo mật, chỉ BOD mới biết. Như vậy 2 bạn Chuyên viên tuyển dụng trong ví dụ này sẽ phải áp dụng điều đã học như thế nào khi thuyết phục UV là một câu hỏi khó.
Phần lớn sau khi được training chúng ta sẽ thay đổi NHẬN THỨC và một ít sẽ thay đổi được HÀNH VI nếu bản thân chịu áp dụng. Khi chỉ thay đổi nhận thức không thôi thì kết quả công việc chưa thay đổi.
Bên cạnh những chia sẻ bên trên thì ưu điểm của TRAINING còn là thời gian, tức là các khoá học thường được thiết kế ngắn (Từ 1- 3 ngày, có khi 0,5 ngày) với nội dung rất phong phú và đầy đủ. Chi phí đầu tư đi học cũng rẻ hơn đầu tư cho Coaching, Mentoring.
Tóm lại là đi học xong về chưa chắc áp dụng và thực hành hiệu quả cho công việc là chuyện rất bình thường, chính vì vậy mới xuất hiện thêm những hình thức phat triển con người như COACHING, MENTORING. Vậy khi nào thì bạn cần một COACH, khi nào thì bạn cần một MENTOR? Nếu bạn quan tâm thì để lại comment để mình có động lực viết tiếp.
Chốt kèo là hiện tại Better You (bên mình cộng tác) có offer đầy đủ các hình thức Training, Coaching, Mentoring dành cho các bạn Recruiter, HRBP, HR General, tuỳ thuộc vào nền tảng bạn đang có cũng như mục tiêu, định hướng và điều kiện của từng bạn.