PHẦN 4 – BÀN VỀ SỰ HỌC CỦA HR
Mình có một chút đồng tình với tác giả ở phần này là gần như các chương trình đào tạo public thì chỉ cung cấp kiến thức nền tảng cơ bản hoặc chia sẻ một vài ví dụ, trải nghiệm thực hành trong điều kiện đã được “setup”, việc ứng dụng vào thực tiễn công việc sau khi học đòi hỏi người học phải nổ lực thêm rất nhiều. Tuy vậy nếu các bạn hỏi mình là làm HR có nên đi học các lớp này hay không thì câu trả lời của mình là CÓ.
Bởi vì:
- Cái lợi đầu tiên là chúng ta có thêm kiến thức và kiến thức đã được tập hợp, thống kê bài bản chi tiết và có tính hệ thống. Bạn hoàn toàn có khả năng tự tìm hiểu và đọc được những kiến thức này trên mạng, tuy vậy hiệu quả sẽ không cao bằng so với việc đầu tư đi học vì thời gian phải tốn nhiều hơn và chưa chắc bạn liên kết, hệ thống lại một cách bài bản được.
- Đi học là cơ hội để mở rộng và xây dựng mối quan hệ (với Giảng viên và cả học viên), trên lớp mỗi người đều có bề dày kinh nghiệm khác nhau ở nhiều môi trường hoàn cảnh khác nhau. Vì thế sau khi đi học về nếu biết duy trì thì khi cần chúng ta có thể chia sẻ, hỗ trợ nhau rất tốt.
- Bạn được truyền năng lượng tích cực khi đi học, đơn giản vì những người đến lớp phần lớn là khí thế hừng hực, năng lượng tích cực dồi dào.
Vậy đi học như thế nào cho hiệu quả? Mình chia sẻ một chút kinh nghiệm từ bản thân:
- Đầu tiên là chúng ta phải có mục tiêu khi đi học: (1) Học để về áp dụng vô công việc? (2) Học để biết thêm kiến thức? (3) Học để về xây dựng bài giảng và chia sẻ lại? (4) Học để có bằng cấp, chứng chỉ, dễ tìm việc?
Một khi mục tiêu bạn càng rõ ràng thì bạn sẽ thấy được việc cần thiết khi đi học, 4 yếu tố trên chỉ là câu hỏi khởi điểm, trước khi quyết định đóng tiền đi học thì cần đặt câu hỏi đào sâu hơn nữa và đơn giản bạn xem đi học là đầu tư, vậy để đầu tư hiệu quả thì bạn phải đặt kỳ vọng kết quả thu về sau khi đầu tư là gì?
- Mình nghĩ mục tiêu số (1) có vẻ là sẽ phổ biến nhất nhưng thực tế quan sát mình thấy còn nhiều bạn chưa làm rõ được mục tiêu này khi đi học. Có một nguyên lý nói về hiệu quả mang lại của việc học rất phổ biến là 10 – 20 – 70 (10% học từ kiến thức các lớp đào tạo; 20% học từ những người xung quanh; 70% học từ công việc thực tế). Ý nghĩa cuả nguyên tắc này là việc học hiệu quả nhất là thông qua công việc thực tiễn. Và chúng ta thấy đi học bên ngoài mang lại hiệu quả rất thấp, để nâng cao hiệu quả của việc học từ những lớp đào tạo thì kinh nghiệm mình thấy bạn chỉ nên đi học khi đang làm đúng công việc có liên quan đến kiến thức bạn học. Ví dụ bạn chỉ nên đi học Kỹ năng phỏng vấn khi bạn đang làm tuyển dụng và phải phỏng vấn rất nhiều ứng viên mỗi tuần.
- Học xong là phải áp dụng ngay vào công việc, tuy vậy để áp dụng được không phải là chuyện dễ dàng mà cần phải kiên nhẫn, theo dõi quá trình, luyện tập thường xuyên thì kiến thức học được mới trở thành kỹ năng. Tốt nhất là học xong nên có thêm các nội dung, chương trình huấn luyện thực hành được dẫn dắt bởi người có kinh nghiệm (Coach/Mentor).
Tóm lại, bạn đi học là học kiến thức, để trở thành kỹ năng làm việc thuần thục thì phải luyện tập thường xuyên và điều chỉnh hành vi, phương pháp liên tục.
Mình bắt đầu làm tuyển dụng lúc mới ra trường, hơn 1 năm sau đi làm là được đi học lớp đầu tiên về Kỹ năng phỏng vấn ở một Trung tâm đạo tạo uy tín nhất nhì thời đó. Khoảng 2 năm sau mình lại đi học tiếp lớp này từ một Giảng viên cũng có tên tuổi và khoảng 3 năm sau lại đi học tiếp kỹ năng này từ một người thầy cũng là sếp của mình. Hai lần đầu đi học là để áp dụng vô công việc, lần thứ 3 mình học là lúc đó đã bắt đầu có suy nghĩ sẽ thiết kế bài giảng cho món này và khoảng 2 năm sau tính từ lúc học lần thứ 3 thì mình đã thiết kế được bài giảng, tự tin đi chia sẻ với thế hệ sau. Khoảng sau 1 năm chỉ đi dạy và chia sẻ cho thế hệ ít kinh nghiệm hơn thì mình có thể tự tin thiết kế, cập nhật bài giảng và chia sẻ cho cấp Manager – Những người hay phỏng vấn tuyển dụng nhân viên cho mình. Xuyên suốt quá trình này mình đều làm tuyển dụng hàng ngày. Và cách đây hơn 1 năm mình lại đi học chủ đề này ở một người sếp khác.
Qua chia sẻ này mình muốn nhấn mạnh việc đi học bên ngoài là rất cần thiết, nếu bạn có điều kiện thì đầu tư còn nếu công ty đầu tư thì đi học ngay, đừng chần chừ, việc học không có giới hạn.
Có một thời gian mình cũng tìm hiểu và không ấn tượng tốt lắm với một số Trung tâm đào tạo về HR sau khi tham khảo nội dung, xem profile Giảng viên và nghe học viên chia sẻ sau đi học, thậm chí Giảng viên là những người mình biết khá rõ. Tuy vậy sau một thời gian thì mình thấy bình thường, Trung tâm tồn tại được đơn giản là vì có cầu có cung và với vài triệu lao động trong một Thành phố thì có rất nhiều cấp độ năng lực khác nhau, điều mình biết không phải ai cũng biết và ngược lại. Điều mình học được từ những Trung tâm này là cách họ biết tận dụng cơ hội để cải thiện thu nhập.
Quay lại ở góc độ người đi học thì ngoài 3 điểm bên trên mình nghĩ trước khi bạn quyết định đi học thì chịu khó tham khảo kỹ một chút từ những người đã học, nhớ tham khảo nhiều nguồn để thông tin đa chiều hơn.
Đây là bài viết được chia sẻ với góc nhìn cá nhân, rất mong nhận được thêm những chia sẻ, đóng góp từ các anh, chị có nhiều kinh nghiệm và góc nhìn thực tiễn
[Một lần nữa, rất cảm ơn tác giả bài viết trên LinkedIn đã giúp mình có ý tưởng đào sâu phân tích và chia sẻ một số góc nhìn cá nhân.]
*Photo: Internet