“Đừng Dùng Lương Để Thu Hút Dân Công Nghệ”. Đây là chủ đề của một bài viết trên TopITworks, bài viết khá hay và thực tế, mình xin bổ sung thêm một góc nhìn khác về chủ đề này.
1. Mình không tán thành lắm với ý “Đừng dùng lương để thu hút dân công nghệ” (Ở đây là IT nói riêng). Có lẽ phải đúng hơn là hãy dùng LƯƠNG CAO hoặc LƯƠNG THẬT CAO để thu hút dân IT. Mình cũng làm trong lĩnh vực tuyển dụng gần 10 năm và cũng 2/3 thời gian là tuyển dụng mảng IT (và cả những mảng khác). Đặc biệt khoảng 3-4 năm trở lại đây thì thị trường lao động mảng IT cực kỳ sôi động, cung không đủ cầu, các công ty IT nước ngoài mở văn phòng, chi nhánh ở VN rất nhiều (đặc biệt là outsourcing). Chính vì vậy các bạn IT ngày càng trở nên “có giá” hơn và kinh nghiệm mình nhận thấy cũng như có tham khảo, trao đổi với một số anh, chị khác cũng làm công việc tuyển dụng mảng IT thì nhận thấy hơn 70% dân IT nhảy việc là vì lương. Điều này cũng dễ hiểu vì:
- Cung – cầu thị trường như đã nói bên trên. Các công ty ngày càng cạnh tranh, ra sức “buy” người để tham gia vào dự án ngay, đặc thù công nghệ là không thể chần chừ nên chiến lược “buy” được nhiều công ty lựa chọn, đặc biệt là các công ty Âu Mỹ vừa mới nhảy vào thị trường VN. Tuy nhiên, về lâu dài cũng có vài công ty chịu áp lực lớn về mặt chi phí trả lương nên đành chấp nhận rút khỏi cuộc chơi ở Việt Nam.
- Ở các công ty IT, việc tăng lương đột biến là rất hiếm xảy ra. Mỗi năm tỉ lệ tăng lương trung bình 10%- 15% là nhiều. Chính vì vậy các bạn IT sẽ giải quyết nhu cầu tăng lương bằng cách nhảy việc vì mỗi lần nhảy thường lương sẽ tăng không dưới 20%, những bạn có năng lực thật sự thì lương tăng gấp rưỡi, gấp đôi là chuyện thường ngày ở huyện.
Mình thấy dân IT có thể tạm chia thành 2 nhóm chính:
- Nhóm thứ nhất rất năng động: Nhóm này thường khả năng tự học, tự nghiên cứu cực kỳ tốt nên rất giỏi.
- Nhóm thứ 2 là nhóm rất yên phận.
Với nhóm thứ nhất thì phần lớn chưa tới 2 năm là nhảy việc 1 lần vì họ được mời ứng tuyển suốt ngày. Nhóm thứ 2 thì ngược lại, làm một cty đến 5-7 năm, công việc an nhàn (Port game trên các thiết bị khác nhau; IT helpdesk; Maintenance/sửa code một số website/phần mềm,…), lương tăng mỗi năm một ít, với họ đi làm chỉ cần môi trường thân thiện vui vẻ, không quá áp lực là đủ. Và dĩ nhiên với nhóm thứ nhất muốn thu hút họ thường là “LƯƠNG THẬT CAO”, công việc thật thử thách.
2. Theo mình có một điểm khác để thu hút hay dễ thuyết phục các bạn IT ứng tuyển vào công ty mà chưa thấy bài viết nhắc đến đó là ĐỒNG NGHIỆP. Dân IT rất quan tâm họ sẽ làm việc với ai và nếu những người Leader/Technical Manager là các anh, chị giỏi, có danh tiếng trên thị trường (Làm qua các cty lớn, có sản phẩm được nhiều người sử dụng,…) thì họ rất mong muốn được làm việc cùng với những người đồng nghiệp/cấp trên như vậy.
Ngoài ra TÌNH ĐÔNG MÔN cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến việc ra quyết định gia nhập một công ty của các bạn IT, đặc biệt là các bạn trẻ mới ra trường đến dưới 2 năm kinh nghiệm. Trong khoảng thời gian này, được bạn bè cùng lớp/cùng trường hoặc các anh, chị đồng môn khoá trên giới thiệu cơ hội việc làm là các bạn thường gia nhập ngay. Các bạn IT dù thế mạnh là tư duy logic nhưng cũngít khi xem xét vấn đề ở nhiều khía cạnh, thông thường chỉ cần nghe một người bạn, một đàn anh/đàn chị nói không tốt hay khen về một công ty là các bạn tin luôn và ngay mà ít khi chịu tìm hiểu thêm mặt trái mặt phải của thông tin đó. Chính vì vậy, các công ty muốn tuyển IT thuận lợi hơn thì việc tạo dựng môi trường làm việc thật tốt để “người trong nhà” cảm thấy “happy” là rất quan trọng. Khi họ hài lòng với công việc, môi trường làm việc hiện tại thì họ sẽ tự chia sẻ với bạn bè và đó là cách gián tiếp để thu hút nhân tài. Kinh nghiệm của mình cho thấy ở các cty IT thì nguồn tuyển dụng giới thiệu nội bộ luôn là nguồn hiệu quả nhất, chiếm không dưới 40% trên tổng các nguồn, nguồn xếp thứ 2 về tính hiệu quả thường chưa tới 20%
3. Một yếu tố khác để thu hút IT giỏi là MÔI TRƯỜNG STARTUP. Các bạn IT giỏi thường rất quan tâm việc này vì căn bản IT thích làm việc tự do giờ giấc, tự chủ công việc, họ thích cảm giác được làm ra sản phẩm hàng triệu người dùng hoặc giải quyết một vần đề nào đó của xã hội bằng công nghệ. Các công ty nào tạo được môi trường startup thì không khó để thu hút IT.
4. Bài viết có đề cập dân IT thích làm việc ở nước ngoài, điều này đúng 101% và không thể sai chỗ nào khi phát biểu ở thị trường lao động Việt Nam thời điểm hiện tại và có lẽ hơi dư thừa vì hầu hết các bạn trẻ giỏi, năng động ở Việt Nam hiện nay đều có mong muốn làm việc ở các công ty có yếu tố nước ngoài (Giao tiếp/làm việc với người nước ngoài thường xuyên). Được đi nước ngoài, làm việc ở nước ngoài là điều mà phần lớn ai cũng mơ ước chứ không riêng gì dân IT. (Có thể do tác giả – người được phỏng vấn – trước giờ chỉ làm mảng IT nên chưa rõ điểm này ở các ứng viên làm trong lĩnh vực khác nên khẳng định đây là đặc thù của dân IT)
5. Bài viết khẳng định dân IT rất quan tâm đến cân bằng công việc và cuộc sống, điều này mình thấy chưa đúng lắm với số đông. Các bạn IT thường quan tâm vấn đề này khi họ khoảng 35 tuổi trở lên và dĩ nhiên ở tuổi này cho dù làm công việc gì, ở lĩnh vực nào người lao động cũng rất quan tâm đến việc cân bằng công việc và cuộc sống. Với các bạn IT trẻ (theo mình là dưới 30 tuổi) thì mình thấy ngược lại các bạn rất quan tâm và tập trung công việc, chỉ cần có cơ hội công việc tốt (Công việc thử thách, thu nhập cao) là các bạn sẵn sàng hi sinh tất cả các thú vui cá nhân, các mối quan hệ không quá quan trọng để được làm việc. Mình đã từng chứng kiến không ít bạn ngày làm việc hơn 12 giờ, không chơi bời bạn bè, không người yêu,…và thậm chí có nhiều anh mới cưới vợ nhưng sẵn sàng ra nước ngoài làm vài năm (Vợ vẫn ở Việt Nam) để nâng cao chuyên môn, tích luỹ thu nhập. Chính vì vậy, để thu hút nhân tài IT trẻ thì việc trao cho họ cơ hội phát triển chuyên môn và thu nhập tốt là rất cần thiết.
6. Nói về lỗi nghiêm trọng của dân IT trong quá trình ứng tuyển thì việc từ chối phút 90 là rất phổ biến (Cancel cả phỏng vấn và offer). Cũng dễ hiểu thôi, họ có quá nhiều cơ hội ở thời điểm này nên họ có quyền lựa chọn. Lời khuyên cho các bạn IT là cho dù cancel thì cũng cố gắng dành ít thời gian để phản hồi, thông báo cho nhà tuyển dụng để không bị đánh giá là giỏi mà thiếu chuyên nghiệp.
Riêng phần tác giả bài viết (Người được phỏng vấn) mong đợi ứng viên IT ngoài CV thì cần có thêm phần giới thiệu rõ ràng về kinh nghiệm bản thân này kia thì mình thấy chưa phù hợp ở thời điểm hiện tại vì:
- Dân IT ít ai viết tốt, đặc biệt người càng giỏi về kỹ thuật thì càng ít người giỏi viết, bảo họ code, họ giải quyết vấn đề gì đó về mặt kỹ thuật thì nhanh nhưng bắt họ viết thì có thể là “cực hình”.
- Đa số các bạn ứng viên (UV) IT là ứng viên bị động bởi nhà tuyển dụng chủ động tiếp cận, mời họ ứng tuyển. Các vị trí cao cấp thì các sếp được giới thiệu về ứng viên trước rồi hẹn họ cafe trao đổi. Thế thì việc họ mất thời gian viết phần giới thiệu kinh nghiệm, thế mạnh của bản thân liệu có cần thiết? Hơn nữa, dân IT giỏi thường kín tiếng, chỉ thích giao tiếp, trao đổi với người cùng lĩnh vực, họ không thích khoa trương, “show off”. Các bạn IT mà hay khua môi múa mép, văn vẻ dài dòng thì theo kinh nghiệm của mình, những CV này nên được xem xét kỹ về mặt chuyên môn trước khi tuyển.
7. Trong bài viết, cách tiếp cận vấn đề của bạn biên tập viên là rất tốt khi đưa ra các tình huống cho tác giả xử lý nhanh, tuy nhiên có thể biên tập viên là người chưa có kinh nghiệm làm tuyển dụng/nhân sự nên cách đặt câu hỏi còn chưa hay lắm:
TÌNH HUỐNG 3: Ứng viên có quá nhiều cơ hội tốt trong tay, làm cách nào chị thuyết phục họ chọn mình? Đây là một câu hỏi/tình huống không nên đưa ra vì không bao giờ có câu trả lời đúng cho tất cả. Bởi vì khi thuyết phục UV chọn offer của một cty nào đó thì vấn đề quan trọng nhất là phải biết UV đó mong đợi gì thì mới thuyết phục được và việc này người làm tuyển dụng ở thế bị động, cách giải quyết là tuỳ thuộc vào mỗi UV. Nếu đặt vấn đề như tình huống 1 thì có vẻ hợp lý hơn (Khi ứng viên tự nâng giá, và mong muốn mức lương quá cao, chị sẽ làm gì?). Vì lúc này tác giả sẽ ở thế chủ động và giải quyết vấn đề theo kinh nghiệm và quan điểm cá nhân, không bị phụ thuộc vào ứng viên.
TÌNH HUỐNG 5: Vài lời khuyên để ứng viên xây dựng hình ảnh của mình. Tình huống này thì câu trả lời của người được phỏng vấn hơi thiếu logic khi bên trên đã nói rõ 3 LỖI NGHIÊM TRỌNG của UV nhưng lời khuyên đưa ra thì hoàn toàn không có phần khắc phục 3 lỗi này. Theo mình ở trên đã nói 3 lỗi NGHIÊM TRỌNG thì để xây dựng hình ảnh tốt, UV cần khắc phục 3 lỗi này trước.
Cá nhân mình có một vài chia sẻ với các bạn IT trong quá trình ứng tuyển:
- Hãy chịu khó dành chút thời gian phản hồi cho nhà tuyển dụng khi được mời ứng tuyển hoặc từ chối phỏng vấn/offer. Bởi lẽ hiện tại có thể công việc bạn được giới thiệu chưa phù hợp hoặc bạn không cần công việc nhưng trong tương lai có thể có và lúc đó có thể bạn gặp lại người đã được bạn “quên lãng – không phản hồi” ở công ty khác mà bạn ứng tuyển.
- Chú ý hơn cách viết CV. Mình đã có một bài viết ngắn chia sẻ về chủ đề này, mời các bạn quan tâm tham khảo tại link: CV của Developer
- Hãy chịu khó dành thời gian tìm hiểu thêm các công ty trước khi kết luận là công ty đó tốt hay chưa tốt. Mình thấy một công ty (IT/ Internet/ Online hay công nghệ nói chung) nếu đã tồn tại và phát triển được khoảng 3 năm trở lên, có khách hàng, có sản phẩm được nhiều người dùng (nhiều chắc phải tính bằng triệu users) thì cho dù thế nào đi nữa chắc chắn họ cũng sẽ có gì đó hay ho để mình quan tâm tìm hiểu chứ không hẳn họ chỉ là một công ty rất tệ qua lời kể của thằng bạn học chung lớp mà sự thật thằng bạn này cũng chưa hề làm qua công ty đó mà chẳng qua chỉ được nghe “bạn của bồ của em gái thằng bạn” kể lại. Và có khi lời kể kia đã được nghe từ 2-3 năm trước trong khi các công ty công nghệ thì họ thay đổi môi trường, chính sách làm việc mỗi ngày.
Bài viết khá dài, hy vọng đóng góp thêm góc nhìn cho chủ đề lương và dân công nghệ.
*Photo: Internet