Cuối tuần PR cho báo Zing chơi, thấy nội dung bài báo còn có nhiều góc nhìn khác nên chia sẻ.
Thống kê lấy từ đâu ra, thông kê từ bao nhiêu trên tổng số bao nhiêu trường? Đây là một câu hỏi lớn và kinh nghiệm mình làm với các trường ĐH/CĐ các năm qua mình chưa thấy trường nào có thể làm tốt thống kê này. Nếu bạn hỏi nhà trường là co bao nhiêu Sinh viên đi làm lúc chưa tốt nghiệp thì có thể có câu trả lời, còn Sinh viên ra trường rồi thì thua.
“Đào tạo lại từ đầu”, mình rất không đồng tình quan điểm này. Với Sinh viên các trường top như Bách Khoa, Ngoại Thương, Khoa học tự nhiên, thậm chí những trường dân lập như Hoa Sen, HUFLIT,…thì mình thấy rất nhiều bạn đi làm từ năm 2, năm 3, có thể là không làm đúng chuyên môn của ngành các bạn học, chính vì vậy việc đào tạo sau khi tuyển dụng là ĐÀO TẠO THÊM cho phù hợp với tính chất, yêu cầu công việc. Nếu là đào tạo lại từ đầu thì sao công ty không tuyển các bạn ngay sau khi tốt nghiệp THPT đi, lúc đó cũng đã đủ tuổi lao động rồi còn gì.
“Làm vì đam mê”, mình cũng không đồng tình quan điểm này lắm, với mình trước khi có đam mê bạn nên có kỹ năng, có cái nghề để nuôi sống bản thân cái đã, hơn nữa, có mấy ai thực sự hiểu được đam mê của mình chính xác là gì khi mà chưa thực sự bắt tay vô làm. Khi bạn có công việc, bạn nỗ lực hết mình, bạn được trả công tưởng thưởng xứng đáng sau khi bạn mang lại giá trị và sự cống hiến cho công ty, cho người khác, lúc đó đam mê mới xuất hiện, còn đam mê theo kiểu vẫn nhận trợ cấp của bố mẹ sau bốn năm mài mông ở giảng đường ĐH thì mình không đề cao lắm.
Chỉ duy nhất quan điểm mình đồng tình trong bài viết là thái độ của các bạn trẻ mới ra trường ngày nay đúng là không tích cực bằng thế hệ của 5-7 năm trở về trước. Cũng đơn giản dễ hiểu là các bạn trẻ bây giờ ít chịu khó hơn, ham vui, thích tận hưởng nhiều hơn vì điều kiện kinh tế của các bạn tốt hơn, ba mẹ bảo bọc nhiều hơn với suy nghĩ đời mình khổ rồi phải để cho con cái sung sướng thoải mái (Cá nhân mình thấy quan điểm này chưa thực sự phù hợp lắm), và chính điều này làm cho các bạn trẻ trở nên ỷ lại, ít nỗ lực hơn khi gặp khó khăn.
Chính vì vậy mình nghĩ ở góc độ nhà trường, bên cạnh việc đào tạo chuyên môn, kiến thức nền tảng thì nên tạo điều kiện để Sinh viên rèn luyện ý thức, thái độ, có thể bằng nhiều cách:
- Khuyến khích, tạo điều kiện cho các sân chơi (CLB, Cuộc thi,..) để các bạn có cơ hội tiếp cận, va chạm thực tế với công việc, doanh nghiệp;
- Tích cực phối hợp với các công ty, tổ chức đẩy mạnh các hoạt động chia sẻ về các cơ hội công việc (Internship, part-time, công việc chính thức) để các bạn hiểu rõ hơn về công việc mình sẽ làm sau khi ra trường.
- Các hoạt động hướng nghiệp, kiến tạo tương lai nên thực hiện từ khi các bạn còn là Sinh viên năm 1, năm 2 vì đây có lẽ là thời điểm dễ truyền đạt, chia sẻ, uốn nắn các bạn nhất.
Suy cho cùng thì điều quan trọng nhất vẫn là ý thức và sự nổ lực của chính bản thân các bạn, không trường ĐH hay thầy cô nào có thể đào tạo các bạn thành một cá nhân xuất sắc nếu bản thân bạn không muốn, không chịu nổ lực.
“nhiều công ty ngầm quy định tránh tuyển sinh viên từ những trường này, mặc dù đây là những cơ sở tên tuổi trên thị trường giáo dục”. Quan điểm này theo mình là khá tiêu cực và chỉ xảy ra ở các công ty:
- Không đủ “room” để cho các bạn phát triển, có tuyển vào thì cũng thời gian ngắn bạn cũng chán mà ra đi;
- Công ty có quy mô, tiềm lực không đủ cạnh tranh với các công ty lớn, global, có danh tiếng, công việc nhiều cơ hội thử thách, lương thưởng hậu hĩnh.
Góc nhìn tích cực ở vai trò Doanh nghiệp là chỉ nên tuyển người phù hợp chứ không phải tuyển người giỏi để rồi không giữ được. Và với các bạn Sinh viên giỏi thực sự thì hãy tìm kiếm môi trường phù hợp, nhiều cơ hội thử thách chứ không phải lo lắng tui học trường top ra chắc khó tìm việc vì các công ty ngầm quy định như bài viết chia sẻ.
Mình hoàn toàn đồng tình quan điểm chủ đạo của bài viết là để có công việc ngay sau khi ra trường thì Đại học không phải là cánh cửa duy nhất, vì vậy nên cân nhắc để có lựa chọn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng cá nhân.
Link bài báo: https://bit.ly/2Fljj1r