Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi?
Câu này rất quan trọng để Nhà Tuyển dụng (NTD) một lần nữa đánh giá tổng thể về sự chuẩn bị, những mối quan tâm của ứng viên, dữ liệu trả lời tring câu hỏi này sẽ được xem xét, đối chiếu rất kỹ với những câu trả lời trước trong buổi phỏng vấn.
Khuyến khích một số hướng trả lời:
Hỏi kỹ hơn về công việc, môi trường, đồng nghiệp, cấp trên của vị trí đang phỏng vấn. Nếu có chỗ nào chưa rõ trong bản MTCV thì đây là cơ hội tốt nhất. Nên hỏi những khó khăn, thử thách thường gặp của vị trí này? Những mong đợi của cấp trên, công ty cho vị trí này? Vị trí công việc này thường được đánh giá qua những yếu tố, thước đo gì,….
Cần hạn chế hỏi những câu mang tầm vĩ mô, chiến lược hoặc nhạy cảm (Nghe đồn công ty sắp bán chẳng hạn) nếu bạn chỉ là ứng tuyển cho một vị trí chuyên viên, kiểu như em thấy đối thủ A làm cái này, cái kia rất tốt không biết chiến lược sắp tới của công ty mình thế nào?
Hạn chế hỏi những câu chung chung như: Môi trường làm việc ở đây như thế nào? Văn hóa công ty, văn hóa của team mình ra sao? Nghe có vẻ như mâu thuẫn với ý bên trên? Thực ra thì không mâu thuẫn chút nào, quan trọng là cách chúng ta đặt câu hỏi.
Case study:
Ứng viên hỏi: Anh, chị có thể chia sẻ thêm giúp em về môi trường làm việc của công ty mình cũng như văn hóa của công ty của team mình với ạ?
Thoạt đầu có thể thấy đây là một câu hỏi hay và cần thiết, tuy vậy theo góc nhìn cá nhân mình thì đây là một câu không nên hỏi. Vì sao?
Môi trường làm việc hay Văn hóa là những khái niệm rất chung và mỗi người sẽ hiểu theo cách rất khác nhau, vậy nên khi hỏi như thế thường chúng ta ít khi nhận được thông tin mình muốn. Tiêu chí của mình là: Muốn biết về gì thì hỏi thẳng vào chỗ đó, Môi trường và Văn hóa mình cụ thể hóa thành các ý nhỏ sau, đây cũng là cách hiểu về môi trường và văn hóa khác nhau của nhiều người mà mình nhận được sau một khảo sát nhỏ:
- Giờ giấc làm việc của công ty có linh động trong việc đi trễ về sớm một chút khi có việc?
- Cách làm việc công ty đó có cồng kềnh không, môi trường thoải mái hay gò bó
- Văn hóa có cởi mở và dân chủ không, hay là áp đặt và cổ hủ
- Sếp có phải là người biết lắng nghe, các đồng nghiệp hỗ trợ lẫn nhau tốt không (Teamwork)
- Môi trường có công bằng, ghi nhận, và tưởng thưởng xứng đáng
- Quy mô và Style làm việc của team như thế nào
- Tinh thần lắng nghe từ các cấp sếp chứ không phải “sếp luôn luôn đúng”
- Lộ trình công việc có rõ ràng không, cơ hội thăng tiến ra sao
- Có văn hoá never say “NO” không? Sếp đã nói là luôn đúng?
- Sự hỗ trợ giữa đồng nghiệp với nhau và giữa các phòng ban với nhau có nhiệt tình hay không.
- Cơ hội được học tập, đào tạo và phát triển như thế nào
- Quy trình làm việc có rõ ràng
- Có quy trình, hướng dẫn cụ thể về cách thức và thẩm quyền ra quyết định
- Các thành viên trong team và các bộ phận hỗ trợ liên quan có chủ động hoàn thành công việc theo deadline đã cam kết hay phải “push/chase”
Nhìn chung các ý bên trên là ai cũng quan tâm khi thay đổi công việc và có thể nói nó thuộc phạm vi “môi trường” và “văn hóa” công ty, tuy vậy gần như 80% các ý trên theo mình là không cần phải hỏi NTD khi đi phỏng vấn, nếu muốn có thông tin hãy đi hỏi những người đã/đang làm ở công ty mà mình đang ứng tuyển.
Và quan trọng nhất là đối môi trường và văn hóa công ty thì bạn BẮT BUỘC phải THÍCH NGHI nếu muốn làm việc hiệu quả, độ thích nghi của mỗi người tùy thuộc nhiều vào MỤC TIÊU của người đó khi làm việc ở công ty, bên cạnh khả năng ứng biến, thích nghi.
Team, đồng nghiệp có hỗ trợ bạn tốt không tùy thuộc rất nhiều vào cách thức, khả năng giao tiếp của bạn với mọi người chứ không hẳn là vì “môi trường” hay “văn hóa” công ty. Cấp trên có ghi nhận và tưởng thưởng bạn xứng đáng không tùy thuộc ít nhiều vào việc bạn đã trao đổi, thống nhất với cấp trên về KPI của mình và cách thức, chỉ số, tần suất do lường KPI này. Đa phần các bạn cảm thấy thiếu công bằng sau mỗi kỳ đánh giá là bởi vì các bạn không có KPI hoặc KPI không rõ ràng dẫn đến việc đánh giá cảm tính. Theo kinh nghiệm mình thấy, trên đời này gần như không tồn tại thứ gọi là công bằng, chúng ta chỉ có thể lựa chọn, quyết định và thích nghi.
Lộ trình phát triển nghề nghiệp, định hướng phát triển lâu dài của vị trí thì sao? Theo mình cũng chẳng cần hỏi vì nếu là công ty bài bản chuyên nghiệp thì họ đã có sẵn lộ trình cho từng vị trí rồi, chiều ngang chiều dọc, đi chéo đều có cả nên cứ yên tâm làm tốt công việc của mình, công ty sẽ dựa trên kết quả công việc mà có hướng hành động phù hợp. Ngược lại, công ty chưa có hệ thống thì bạn làm tốt cũng sẽ được cân nhắc cho những vị trí quan trọng, tạo ra nhiều giá trị cho công ty, và với các công ty này bạn có hỏi thì Interviewer cũng chia sẻ được nhưng nó chưa chắc chuẩn xác khi bạn vô làm. Vậy nên theo mình, lộ trình phát triển nghề nghiệp là do mỗi người tự xây dựng cho mình, mỗi công ty, mỗi sếp chẳng qua là những nhân tố hỗ trợ cho mình ở một đoạn nhỏ, họ có thể như là những trạm xăng, trạm dừng chân trên con đường phát triển nghề nghiệp của mình. Cách tốt nhất để xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp cho mình là hãy tiếp cận, xây dựng mối quan hệ với những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực mình muốn theo đuổi hoặc có thể tự tìm mentor, coach/career coach cho mình. Các công ty startup, SME thì càng không nên hỏi câu này vì thậm chí CEO cũng chưa biết họ sẽ đi đâu về đâu mà tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khó kiểm soát, chỉ có thể thích nghi.
Nhiều bạn thường hay mong đợi sẽ tìm được sếp giỏi để học, điều này là chính đáng nhưng chưa đủ, phải là sếp giỏi trong lĩnh vực mình muốn học. Sếp giỏi chuyên môn nhưng bạn muốn trau dồi kỹ năng quản lý team thì vào làm cùng sao mà học được. Hơn nữa đã là sếp rồi thì ít nhiều cũng có cái hay, cái giỏi để mình quan sát học hỏi hay thậm chí có thể học từ những khuyết điểm, sai lầm của sếp để tránh. Nếu thực sự quan tâm đến sếp thì nênt ìm hiểu “quyền lực” của sếp, của Phòng ban mà mình đang ứng tuyển trong côngt yy đó như thế nào, sếp/phòng ban càng “quyền lực” thì công việc mình sẽ thuận lợi hơn. Mà muốn biết điều này thì chỉ có thể hỏi những người đã, đang làm trong công ty mà mình có mối quan hệ đủ thân thiết.
Sếp luôn luôn đúng là đương nhiên rồi vì sếp chịu trách nhiệm thay mình khi có sự cố mà, với lại đúng sai đôi khi chỉ vì góc nhìn khác nhau. Ai đi làm cũng đều rất mong muốn sếp lắng nghe mình, vậy thì mình cũng chịu khó lắng nghe sếp cái đã, làm Nhân viên, điều khó nhất với mình là hiểu được khó khăn thực sự mà sếp đang gặp, vậy nên đôi khi thấy bất công thì cũng cố gắng nghĩ tích cực, nhắm mắt nghĩ về mục tiêu của mình rồi cho qua.
Vậy còn một số ý chúng ta cần nên hỏi trong buổi phỏng vấn:
- Hỏi để tìm hiểu kỹ hơn về công việc:
- Khó khăn, thử thách có thể gặp;
- Thẩm quyền và cách thức ra quyết định trong phạm vi công việc của mình;
- KPI có thể bao gồm những nội dung gì, cách thức tracking, chỉ số đo lường, tần suất đo và mong đợi cụ thể của cấp trên đối với từng chỉ số là gì;
- Mình được cung cấp/hỗ trợ những nguồn lực nào để hoàn thành công việc.
Theo mình chỉ cần làm rõ bấy nhiêu thôi.
- Vậy còn các ý và câu hỏi nêu bên trên thì sao?
- Giờ giấc làm việc của công ty có linh động trong việc đi trễ về sớm một chút khi có việc? → Không nhất thiết hỏi trong buổi phỏng vấn, hỏi khi nhận được offer.
- Cách làm việc công ty đó có cồng kềnh không, môi trường thoải mái hay gò bó → Nếu muốn biết thực sự thì hỏi những người đã, đang làm trong công ty đó mà không phải interviewer
- Văn hóa có cởi mở và dân chủ không, hay là áp đặt và cổ hủ → Nếu muốn biết thực sự thì hỏi những người đã, đang làm trong công ty đó mà không phải interviewer
- Sếp có phải là người biết lắng nghe, các đồng nghiệp hỗ trợ lẫn nhau tốt không (Teamwork) → Nếu muốn biết thực sự thì hỏi những người đã, đang làm trong công ty đó mà không phải interviewer
- Môi trường có công bằng, ghi nhận, và tưởng thưởng xứng đáng → Như đã chia sẻ ở trên, công bằng, ghi nhận, tưởng thưởng nên xuất phát từ việc xác lập KPI, hỏi cũng không có thông tin chính xác
- Quy mô và Style làm việc của team như thế nào → Có thể hỏi và tốt nhất là nên chủ động tạo điều kiện gặp 1-2 đồng nghiệp tương lai của mình ở công ty đó để tìm hiểu, nhận định thêm.
- Tinh thần lắng nghe từ các cấp sếp chứ không phải “sếp luôn luôn đúng” → Nếu muốn biết thực sự thì hỏi những người đã, đang làm trong công ty đó mà không phải interviewer. Thường câu trả lời nhận được mà ai cũng biết đó là “Ừ cũng có lắng nghe chứ NHƯNG tùy…”
- Lộ trình công việc có rõ ràng không, cơ hội thăng tiến ra sao → Không cần thiết hỏi, đã chia sẻ ở trên
- Có văn hoá never say “NO” không? Sếp đã nói là luôn đúng? → Như đã chia sẻ ở trên, không cần hỏi trong buổi phỏng vấn
- Sự hỗ trợ giữa đồng nghiệp với nhau và giữa các phòng ban với nhau có nhiệt tình hay không → Nếu muốn biết thực sự thì hỏi những người đã, đang làm trong công ty đó mà không phải interviewer, hơn nữa việc này tùy thuộc vào mình rất nhiều như đã chia sẻ ở trên và con người trong công ty thì có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
- Cơ hội được học tập, đào tạo và phát triển như thế nào → Câu này nên hỏi nhưng phải thật cụ thể được học món gì, điều kiện ra sao, ràng buộc thế nào,…
- Quy trình làm việc có rõ ràng → Nếu muốn biết thực sự thì hỏi những người đã, đang làm trong công ty đó mà không phải interviewer. Với lại chúng ta vào có thể xây dựng quy trình nếu muốn rõ ràng.
- Có quy trình, hướng dẫn cụ thể về cách thức và thẩm quyền ra quyết định → Câu này nên hỏi kỹ cho vị trí của mình và chỉ có mình mới biết vị trí đó cần ra những quyến định gì.
- Các thành viên trong team và các bộ phận hỗ trợ liên quan có chủ động hoàn thành công việc theo deadline đã cam kết hay phải “push/chase” → Có thể hỏi nhưng câu trả lời thường nhận được là theo hướng nước đôi.
Sau cùng, tránh hỏi những câu về lương, benefits vì thông thường phần sau cùng của buổi phỏng vấn NTD sẽ “sales” cho bạn về những chính sách phúc lợi của công ty.
Hãy nhớ đặt câu hỏi là một kỹ năng rất quan trọng, trước khi hỏi nên xác định rõ mình muốn thông tin gì, sẽ làm gì với những thông tin đó và nên dự đoán trước câu trả lời (Đặt mình vào vị thế của người được hỏi). Thông qua cách đặt câu hỏi của UV, NTD cũng đánh giá được khá nhiều về độ nhạy bén, khả năng giao tiếp, tư duy logic của ứng viên.
Câu trả lời tồi tệ nhất cho câu này là em không có gì để hỏi.
Nếu các bạn có ý hay câu hỏi nào thấy cần thiết hỏi NTD trong buổi phỏng vấn thì có thể liệt kê ra để chúng ta cùng trao đổi thêm
*Photo: Internet