Mỗi bạn có thể có cho riêng mình những quy ước riêng khi làm CV, tuy nhiên bản thân mình đúc kết ra được 8 nguyên tắc sau đây, và mình nghĩ rằng những nguyên tắc này có thể áp dụng cho đa số các trường hợp.
Nguyên tắc 1: TRÌNH BÀY
Đối với mình, CV cần đơn giản và nhất quán về font chữ, về màu sắc. Không nên dùng nhiều màu và nhiều font chữ trên CV, cũng không cần quá cầu kỳ, phức tạp, tuy nhiên cũng không được trình bày cẩu thả, sơ sài, phải đơn giản một cách có khoa học, có hệ thống ở từng mục.
CV dự tuyển ở các lĩnh vực sáng tạo, ví dụ như Thiết kế chẳng hạn, thì sẽ có thể chú trọng hơn về hình thức cũng như tạo sự khác biệt để nổi bật hơn những ứng viên khác. Các bạn có thể gửi kèm “Visual CV” nhưng nó không thể thay thế cho CV chính thức.
Nguyên tắc 2: ĐỘ DÀI
Các CV thông thường chỉ cần gói gọn trong 2 trang A4 là có thể trình bày hết đầy đủ các thông tin mà Nhà tuyển dụng cần và muốn biết. Vì thế bạn phải khéo léo trong trình bày và tóm tắt vấn đề để CV không quá dài dòng. Như mình cũng đã chia sẻ, đối với những bạn có nhiều công việc để liệt kê thì những công việc ở quá khứ xa chỉ cần liệt kê thành tích là được.
Cũng có những trường hợp đặc biệt CV có thể sẽ phải dài hơn 2 trang A4, đó là các vị trí cần gửi kèm Portfolio (Thiết kế, Sáng tạo). Tuy nhiên vẫn là những thông tin cơ bản sẽ nằm ở 2 trang đầu CV, còn lại là không gian dành cho Portfolio.
Nguyên tắc 3: NÊN CÓ NHIỀU CV
Mỗi bạn nên chuẩn bị cho mình những CV khác nhau cho từng vị trí công việc khác nhau. Vì có thể chúng ta sẽ muốn thử sức ở nhiều lĩnh vực, vì thế CV cũng phải phù hợp với vị trí ứng tuyển mới. Bạn không thể dùng CV thiết kế cho công việc “Design” để apply cho công việc “Sales” được.
Điều cần làm đối với những CV đó là bạn cần thay đổi những thông tin về kinh nghiệm, phẩm chất cá nhân, thậm chí là sở thích sao cho phù hợp nhất với mô tả công việc và yêu cầu của vị trí mà bạn định ứng tuyển.
Nguyên tắc 4: KINH NGHIỆM
Như mình cũng đã chia sẻ ở phần 1, thứ tự liệt kê là “gần cho đến xa”, liệt kê kinh nghiệm theo thứ tự thời gian “hiện tại cho đến quá khứ”. Với mỗi kinh nghiệm cần có: Tên công ty (Có thể đính kèm website); Thời gian làm việc (Từ tháng/năm đến tháng/năm); Vị trí công việc và quan trọng nhất là MÔ TẢ CÔNG VIỆC CỤ THỂ & THÀNH TÍCH/KINH NGHIỆM đạt được. Phần mô tả công việc mỗi ý nên bắt đầu là động từ (Ví dụ: Tổ chức, hỗ trợ,…) và nên liệt kê theo thứ tự quy trình làm việc. Phần thành tích cố gắng viết theo hướng cống hiến cho công ty.
Nếu không có kinh nghiệm làm việc chính thức nào thì các hoạt động tình nguyện đã tham gia cũng được xem là kinh nghiệm, nếu đã có kinh nghiệm làm việc chính thức thì liệt kê thêm các công việc tình nguyện để làm phong phú thêm CV.
Nguyên tắc 5: USP – Unique Selling Point
CV cần có USP – Unique Selling Point, tức là CV cần có một điểm đặc biệt nổi bật so với tổng thể. Các bạn sẽ đầu tư thật kỹ cho một mục của CV sao cho thật ấn tượng, thật khác biệt để tạo điểm nhấn. Đó có thể là về học tập, hoạt động ngoại khóa hoặc kinh nghiệm làm thêm. Làm nổi bật phần nào bạn cảm thấy thật tự tin và làm bạn khác biệt với những ứng viên khác nhưng quan trọng nhất là phải có liên quan đến công việc dự tuyển. Ví dụ khi dự tuyển vị trí làm event bạn nên nêu thật kỹ các công việc/hoạt động đã từng tham gia khi đi học. (Tham gia các CLB, tổ chức sự kiện,…) Tuy nhiên không nên cường điệu hóa quá mức sẽ gây phản cảm.
Nguyên tắc 6: THÀNH TÍCH
Tất cả các CV đều phải có mục thành tích, các bạn cũng không cần làm khó bản thân ở mục này, không cần phải là những thành tích quá to lớn mới có thể liệt kê mà đơn giản là “Hoàn thành công việc được giao” hoặc “Chưa bao giờ bị phê bình trong quá trình làm việc” cũng được xem là những thành tích đáng kể đến.
Nhà tuyển dụng sẽ thường có xu hướng chú ý đến những CV viết theo hướng có ý muốn cống hiến cho công việc, cho tương lai của công ty và họ sẽ muốn nghe bạn trình bày nhiều hơn trong vòng phỏng vấn.
Nguyên tắc 7: SỞ THÍCH
Đây là mục không bắt buộc, bạn chỉ nên đưa vào CV nếu những sở thích của bạn tạo nên sự khác biệt và có liên đới đến vị trí ứng tuyển. Đây không phải là tự bạch nên những sở thích không liên quan sẽ có thể tạo nên điểm trừ dành cho bạn. Ví dụ, bạn mong muốn ứng tuyển vào vị trí “Thiết kế đồ họa” thì sở thích có xu hướng nghệ thuật như “Chụp ảnh” là phù hợp, có thể thêm vào CV.
Nguyên tắc 8: KIỂM TRA LỖI CHÍNH TẢ
Đây là bước vô cùng quan trọng, nó sẽ thể hiện bạn là người cẩn thận, đáng tin cậy và có trách nhiệm với mỗi việc mình làm. Với những từ khó hoặc chưa chắc chắn thì nên tra từ điển trước khi dùng.
Gửi đi một CV mắc sai sót nhiều về chính tả là thiếu tôn trọng người đọc CV cũng như tạo ấn tượng xấu trong mắt Nhà tuyển dụng. Bởi thế hãy luôn kiểm tra kỹ lưỡng một lượt trước khi ấn “Send” CV.
*Photo: Internet