CV được xem như “tấm vé vào cổng” đầu tiên khi các bạn muốn apply vào một vị trí nào đó ở các công ty. Bài viết này mình chia sẻ một số tips nhỏ hi vọng có thể giúp các bạn hoàn thiện CV của mình hơn.
Nội dung bài viết chia làm 2 phần:
1. Cấu trúc CV và một vài lưu ý
2. Những nguyên tắc khi chuẩn bị CV
CẤU TRÚC CV VÀ MỘT VÀI LƯU Ý
Trước khi nói sâu vào vấn đề, chúng ta cần biết CV là gì? CV là cách viết tắt của “Curriculum Vitae”, có thể hiểu nôm na là “Bản lý lịch” trong tiếng Việt. Cấu trúc CV sẽ không giống nhau, tùy thuộc vào sở thích cá nhân và yêu cầu của vị trí mà các bạn mong muốn ứng tuyển vào. Tuy nhiên, theo mình, cấu trúc của một CV chuẩn cần có 7 THÔNG TIN cơ bản sau đây:
1. Thông tin cá nhân
2. Mục tiêu nghề nghiệp
3. Học vấn/Bằng cấp
4. Kinh nghiệm & Thành tích
5. Kỹ năng
6. Hoạt động ngoại khóa
7. Thông tin tham khảo
Vậy mỗi mục như vậy, chúng ta cần trình bày những nội dung gì là hợp lý?
1. THÔNG TIN CÁ NHÂN
Cần đảm bảo đủ các thông tin như: Họ tên – Số điện thoại – Email – Địa chỉ – Ngày sinh. Đó là những thông tin cơ bản mà Nhà tuyển dụng cần để biết về tình hình sơ bộ nhất của ứng viên.
Thường thì có một số bạn sẽ không để kèm ngày sinh vào CV của mình. Tuy nhiên, theo mình thì thông tin này là CẦN THIẾT vì các Nhà tuyển dụng thường có nhu cầu lưu thông tin này vào hệ thống quản lí thông tin ứng viên của họ.
2. MỤC TIÊU NGHỀ NGHIỆP
Đối với mục này, có nhiều bạn sẽ để các mục tiêu chung chung để tiện cho việc apply vào nhiều công việc khác nhau mà không phải mắc công sửa đổi.
Theo mình thì những mục tiêu chung chung như “mong muốn có việc làm ổn định, học hỏi kinh nghiệm v.v..” mà chúng ta vẫn thường viết trong CV là không nên vì nó sẽ không tạo được ấn tượng đối với Nhà tuyển dụng.
Mục tiêu nghề nghiệp là phần không bắt buộc, nhưng mình đề xuất là nên có, nó cần SMART và liên đới đến lĩnh vực cụ thể của vị trí ứng tuyển.
Ví dụ, khi các bạn ứng tuyển vào vị trí nhân viên phòng Nhân Sự thì các bạn cần nói rõ “Mong muốn trong “n” năm nữa sẽ đạt đến trình độ chuyên môn và định hướng phát triển theo lĩnh vực Tuyển dụng chuyên nghiệp” chẳng hạn. Như thế sẽ cho Nhà tuyển dụng thấy chúng ta có hướng đi rõ ràng và định hướng gắn bó, phát triển lâu dài trong lĩnh vực mà ta ứng tuyển.
3. HỌC VẤN/BẰNG CẤP
Có rất nhiều bạn phân vân về việc có nên để điểm số vào CV hay không? Với anh thì việc có để điểm vào hay không sẽ là yếu tố tùy thuộc, nếu điểm bạn cao, từ 8.0 trở lên chẳng hạn, thì bạn có thể để vào để ghi điểm với Nhà tuyển dụng, còn nếu thế mạnh của bạn không ở điểm số thì bạn có thể không để vào CV.
Có một lưu ý nhỏ đó là các bạn nên liệt kê theo thứ tự bằng cấp cao nhất (Đại học/Trên ĐH) đến các khóa đào tạo ngắn hạn, trong đó phải có các thông tin về tên trường, chuyên ngành học và thời gian học (Từ tháng/năm đến tháng/năm). Đối với các bạn học ở lớp chuyên, lớp chọn ở cấp phổ thông thì cũng có thể liệt kê ở mục này.
4. KINH NGHIỆM & THÀNH TÍCH
Ở nội dung này thì các bạn có thể liệt kê hết tất cả những kinh nghiệm có được từ những công việc mình đã từng làm theo thứ tự “công việc gần nhất liệt kê trước”. Cần nêu rõ: tên công ty (Có thể gửi kèm website công ty); vị trí làm việc; thời gian làm (Tháng/năm đến tháng/năm); chi tiết công việc.
Chi tiết công việc cần được bắt đầu bằng động từ. Ví dụ “HỖ TRỢ công tác tuyển dụng tại công ty ABC”, “GỌI ĐIỆN THOẠI cho ứng viên”.Sau đó cần nêu rõ những thành tích, kết quả mà mình đạt được. Trong trường hợp có quá nhiều công việc thì chỉ liệt kê một số công việc chính, những công việc có thành tựu nhất, còn lại có thể chỉ cần liệt kê sơ qua về thành tích để CV không bị quá dài.
5. KỸ NĂNG
Đây là mục có thể làm nhiều bạn khá bối rối vì không biết nên liệt kê như thế nào cho phù hợp, có khi liệt kê quá ít hoặc quá nhiều. Theo mình thì các bạn có thể tập trung viết về 2 nội dung: một là kỹ năng chuyên môn và hai là kỹ năng mềm.
Ở đây, các bạn liệt kê thế mạnh của mình, nhưng tránh liệt kê quá nhiều, chỉ nên liệt kê những kỹ năng nào mình thật sự tự tin và có liên quan đến công việc dự tuyển. Vì những kỹ năng mà các bạn liệt kê, chắc chắn đến khi đi phỏng vấn các bạn sẽ được đặt các tình huống để kiểm tra bạn có thực sự có kỹ năng đó không. Ví dụ, các bạn dự tuyển vào vị trí Thư ký thì kỹ năng “Đánh máy nhanh (Bao nhiêu từ/phút)” có thể cho vào CV.
6. HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA
Đó là các hoạt động Đoàn/Hội; tham gia các Câu lạc bộ ở Trường ĐH, mục này cũng tương tự kinh nghiệm, ở đây, các bạn cũng liệt kê chi tiết hoạt động mình tham gia; vai trò của mình trong hoạt động đó; công việc chính mà bạn làm là gì. Ví dụ, “Trưởng nhóm Chiến dịch Mùa hè xanh trường “ABC” – quản lý, điều phối chiến sĩ thực hiện công tác tình nguyện”.
Ngoài các thông tin cơ bản trên thì CV có thể thêm vào mục
7. THÔNG TIN THAM KHẢO.
Tuy nhiên, trước khi để thông tin của bất kỳ ai (Thầy Cô, Cấp trên, Bạn bè…) vào mục này thì nên xin phép và báo cho người đó trước để tránh tình trạng người được gọi tham khảo bị bối rối khi Nhà tuyển dụng liên hệ.
Ngoài ra, mình cũng muốn lưu ý các bạn vài điều khi GỬI CV:
– Khi gửi email thì phải có tiêu đề rõ ràng (Nên đặt tiêu đề là Ho ten_Vi tri ung tuyen), văn phong trang trọng.
– Tên File có thể đặt theo nguyên tắc: Họ tên_Vị trí ứng tuyển. Ví dụ: Tran Vu Thanh_Chuyen vien tuyen dung
– Hạn chế nén file vì sẽ gây phiền hà và khó khăn cho Nhà tuyển dụng khi xem CV.
– Không nên đính kèm quá nhiều bằng cấp khiến cho dung lượng email quá lớn gây bất tiện cho Nhà tuyển dụng, chỉ gửi kèm bằng cấp, chứng chỉ khi có yêu cầu.
Trên đây là một số chia sẻ nhỏ hi vọng giúp các bạn tránh được những lỗi không đáng có khi làm CV.
*Photo: Internet
Em muốn hỏi muốn theo ngành này thì cần học qua lớp đào tạo nào ạ