Qua thời gian dài gần 10 năm làm tuyển dụng, dĩ nhiên Thanh đọc rất nhiều CV và nhận thấy hầu như hơn 70% các bạn làm CV chưa thực sự hiệu quả, mình nói hiệu quả tức là muốn nói CV thể hiện được những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của người đó, hiệu quả tức là Nhà tuyển dụng đọc CV xong sẽ hình dung khá rõ về kỹ năng, kinh nghiệm của bạn mà không cần mất nhiều thời gian làm công việc sơ vấn qua điện thoại (call interview). Hôm nay mình sẽ nói kỹ hơn 2 mục quan trọng của CV: KỸ NĂNG và KINH NGHIỆM
Sai lầm lớn nhất của các bạn khi làm CV là viết rất chung chung, phần lớn là copy bản mô tả công việc ở công ty, Thanh sẽ sơ lược qua một số vị trí công việc mà tuyển dụng thường gặp.
Lấy ví dụ vị trí Chuyên viên Tuyển dụng: Hầu hết CV mình nhận được các bạn mô tả kinh nghiệm của mình theo kiểu:
- Nhận yêu cầu tuyển dụng
- Tìm kiếm hồ sơ ứng viên
- Phỏng vấn, thỏa thuận ứng viên
- Một số công việc khác kiểu như tổ chức ngày hội việc làm, hỗ trợ các công việc khác trong phòng HR,…
Các bạn ạ, công việc tuyển dụng thì công ty nào chẳng giống nhau về mặt quy trình như bên trên, cái mà nhà tuyển dụng (NTD) cần biết ở một bạn ứng viên cho vị trí Chuyên viên tuyển dụng là: Bạn đã từng tuyển được những vị trí nào, thuộc lĩnh vực gì (FMCG, F&B, Game, TMĐT, Ngân hàng,…), bạn tuyển các vị trí ở cấp độ nào (Junior, Senior, Manager, Director,…); một năm, một quý, mỗi thời điểm bạn đã phải tuyển khoảng bao nhiêu vị trí; bạn đã biết, sử dụng những nguồn/kênh tyển dụng nào,…đại khái thế. NTD cần biết những kinh nghiệm, thành tích cụ thể bạn đã đạt được ở các công ty trước nên hãy mô tả thật cụ thể, chi tiết những job mình ĐÃ thực sự làm, trải nghiệm.
Nếu bạn làm C&B thì đừng liệt kê là tôi chấm công, tính lương, thực hiện các thủ tục BHXH, BHYT,…cho nhân viên mà hãy nói rõ bạn có kinh nghiệm chấm công tính lương cho bao nhiêu nhân viên, bạn dùng excel hay phần mềm, bạn là người thiết kế ra bảng lương, công thức lương hay có người tiền nhiệm thiết kế sẵn bạn chỉ việc theo công thức mà làm,…đó mới gọi là kinh nghiệm, là điều NTD cần biết.
Hay các bạn là Marketing Manager/Brand Manager thường hay liệt kê trên CV:
- Nghiên cứu thị trường, đối thủ,
- Lập kế hoạch năm/quý/tháng
- Phối hợp với các bộ phận khác để thực thi cac chiến dịch MKT/Branding,
- Báo cáo kết quả đạt được,
- Đào tạo, huấn luyện, quản lý Nhân viên,..
Xin thưa, ai cũng rất dễ biết đó là các công việc của một MKT/Brand Manager phải làm và điều mà NTD muốn biết ở UV khi xem CV các bạn là: Bạn từng làm MKT/Branding cho những sản phẩm cụ thể nào? Làm từ giai đoạn nào (Tham gia nghiên cứu, lên ý tưởng cho sản phẩm mới, tung sản phẩm mới hay tái định vị sản phẩm?); Bạn làm MKT truyền thống hay trực tuyến? Bạn thực hiện các hoạt động MKT trên những kênh nào? Đã lên kế hoạch hay thực thi những chiến dịch quảng cáo/branding nào? Kết quả cụ thể các chiến dịch đó mang lại là gì (Độ nhận biết khách hàng, doanh số mang về, làm online thì từng kênh mang lại kết quả ra sao,…). Chỉ có như vậy NTD mới hình dung được kinh nghiệm thực sự của bạn. Nhớ đừng liệt kê theo bản MTCV của công ty.
Các bạn là Sales/Quản lý khách hàng (Account Executive) thường thì hay viết CV theo kiểu: Tìm kiếm khách hàng mới; Gặp gỡ khách hàng để thu thập nhu cầu; Thuyết phục đàm phán ký hợp đồng; Chạy chỉ tiêu doanh số;…Đây là công việc rất cơ bản mà ai từng đi làm rồi cũng sẽ biết đó là việc của Sales/Account. Tuy nhiên điều mà NTD quan tâm ở một ứng viên Sales/Account là bạn bán sản phẩm, dịch vụ gì? Bạn có chịu target doanh số hay không? Bạn phụ trách những khách hàng nào? Những khách hàng lớn mà bạn phụ trách đã sử dụng sản phẩm, dịch vụ gì của bạn? Kết quả doanh số của bạn ra sao (Đạt bao nhiêu % so với target, nói rõ vì sao bạn đạt được thành tích đó)
Bạn là Product Manager thì phải nói rõ bạn làm Phát triển sản phẩm mới (Product Development) hay vận hành sản phẩm đang có (Product Operation). Nếu là phát triển SP mới thì vai trò của bạn là gì (Là người trực tiếp đưa ra ý tưởng các tính năng cho SP hay chỉ là người quản lý chung, phối hợp các thành viên, các team để tổng hợp, thống nhất ý kiến và ra quyết định). Tương tự nếu àm khâu vận hành sản phẩm thì nói rõ bạn đã phải theo dõi, ghi nhận những chỉ số nào của sản phẩm, bằng cách nào để ghi nhận các chỉ số này, bạn đo lường, đánh giá và đã đề xuất cải tiến cụ thể những tính năng nào, dựa trên chỉ số nào,…
Bạn là một kỹ sư lập trình thì nói rõ bạn làm frontend hay backend/client hay server, bạn lập trình trên web form hay win form/web app hay mobile app, bạn sử dụng những ngôn ngữ lập trình nào (C++/PHP..NET), dùng hệ CSDL nào, framework nào cho cụ thể dự án, sản phẩm nào. Sản phẩm của bạn có khoảng bao nhiêu người dùng, bao nhiêu người dùng cùng một lúc. Bạn chỉ code hay là vừa code vừa điều chỉnh, tối ưu hóa code cho các thành viên khác. Bạn có từng làm công việc tối ưu hóa (optimize) cho tính năng của sản phẩm mình làm? Nếu có thì cụ thể bạn làm gì, kết quả thay đổi như thế nào?
Một điểm nữa không nên có trên CV là viết tắt chức danh của bạn hay viết tắt những thuật ngữ chuyên môn trong công việc, kiểu như ABM (Asisstant Brand Manager); SSE (Senior Software Engineer), NTD không thích điều này.
Khuyến khích các bạn để link website của các công ty mình từng làm để cần thiết NTD sẽ click vào tìm hiểu thêm về lĩnh vực bạn đã làm trước đây.
Lại nói về KỸ NĂNG, hầu hết các bạn điều liệt kê RẤT NHIỀU kỹ năng trong CV và dùng các từ mô tả về kỹ năng rất oách: thành thạo, master,…kiểu như thành thạo vi tính văn phòng nhưng hỏi excel em biết dùng Pivot Table không thì bảo là em không. Các bạn lưu ý mình chỉ nên liệt kê vào CV những kỹ năng mình thực làm tốt và có liên quan đến yêu cầu tuyển dụng của vị trí ứng tuyển. Ví dụ ứng tuyển vào vị trí C&B thì nói rõ mình có kinh nghiệm tính lương trên excel như thế nào, hay dùng những hàm, công thức, tính năng cụ thể nào trong excel.
Để rõ hơn mình nên phân biệt rõ 3 từ: Kiến thức, Kỹ năng và Kinh nghiệm.
- Kiến thức đó là bạn đọc, học, hoặc ai đó nói cho bạn biết nhưng bạn chưa thực hành bao giờ hoặc thậm chí không cần thực hành, nó lá lý thuyết, tiên đề, định lý, nguyên tắc.
- Kỹ năng là bạn thực hiện 1 hoặc một chuỗi hành động và tạo ra kết quả mong đợi, nhớ là có tạo ra kết quả nha các bạn.
- Kinh nghiệm là vận dụng kiến thức, kỹ năng để làm, có tạo ra kết quả và thêm nữa là phải biết so sánh, đánh giá phát huy mặt tốt, khắc phục mặt chưa tốt.
Bởi vậy cái nào mình chỉ mới biết mà chưa được làm nhiều, chưa thành thạo thì đó chưa phải là kỹ năng đâu nhé.
Tóm lại nói một cách dễ hiểu thì viết CV hay phỏng vấn đó là bạn đang kể chuyện, hãy kể chuyện sao cho thật sinh động nhưng phải chân thật và có một phương pháp để dễ nhớ khi kể chuyện đó là 5W1H (Chuyện gì? Ở đâu? Xảy ra khi nào? Với ai? (Chuyện/việc đó làm với ai?) Tại sao xảy ra chuyện đó/Tại sao phải làm? Chuyện xảy ra như thế nào/Bạn làm việc đó như thế nào?). Nhớ điều NTD muốn biết đó là BẠN ĐÃ THỰC SỰ LÀM ĐIỀU ĐÓ như thế nào.
*Photo: Internet