Nếu ai đó hỏi mình, vì sao cầu làm rõ yêu cầu tuyển dụng, mình sẽ ví việc tuyển dụng như việc đi chợ mua cá giúp mẹ vậy. Vì sao? Vì càng hình dung rõ, càng mô tả chi tiết các tiêu chí của con cá mình cần mua thì càng dễ để mình tìm và mua được con cá mẹ muốn, và ngược lại, cho dù mình có tiền nhưng mình không hình dung được con cá mẹ cần mua ngang dọc thế nào thì có đi hết ngày hết chợ cũng chẳng mua được đúng con cá ấy. Chính vì vậy, trong quy trình tuyển dụng, theo mình bước khó nhất có lẽ là LÀM RÕ YÊU CẦU TUYỂN DỤNG.
Bài viết này, mình xin chia sẻ một chút kinh nghiệm trong việc làm rõ yêu cầu tuyển dụng. Hy vọng rằng có thể phần nào giúp được các bạn mới vào nghề Tuyển dụng.
Yêu cầu tuyển dụng thường có 2 phần chính là: Mô tả công việc và Yêu cầu cần thiết cho vị trí đó. Trước hết, mình nghĩ mỗi bạn làm Tuyển dụng nên thấy được tầm quan trọng của việc làm rõ yêu cầu tuyển dụng với Hiring Manager (HM). Dưới đây là 3 điều khiến mình luôn coi trọng công đoạn này trong quá trình tuyển dụng:
- Mô tả công việc việc càng rõ ràng, chi tiết càng giúp Ứng viên (UV) dễ dàng hình dung công việc mình sẽ làm.
- Yêu cầu tuyển dụng càng cụ thể, chi tiết càng giúp mình sàng lọc UV hiệu quả hơn.
- Đặc biệt, việc làm rõ yêu cầu tuyển dụng rất có ích khi gặp các HM hay chê ỏng chê eo CV/ UV sau khi phỏng vấn hoặc quyết định một cách cảm tính. Trường hợp này chỉ cần đối chiếc các đánh giá về CV/ UV với các yêu cầu ban đầu và dựa vào đó để trao đổi.
Mình sẽ đi vào phân tích cụ thể hơn 2 phần của Yêu cầu tuyển dụng:
*** Đối với phần MÔ TẢ CÔNG VIỆC:
Mình thường áp dụng phương pháp 5W1H khi trao đổi với HM để hiểu rõ hơn về công việc:
WHY:
- Tại sao cần vị trí trí công việc này? / Vị trí này mang lại giá trị/ đóng góp gì cho công ty? (Tóm tắt nhiệm vụ chính)
- Ý này cũng có thể hỏi các HM: Vị trí này có gì hấp dẫn UV hay Tại sao UV muốn làm vị trí này của Công ty mình?
WHAT:
- Vị trí này làm công việc cụ thể gì? (Việc hàng ngày/hàng tuần/hàng tháng)
- Sản phẩm/dịch vụ/đối tượng khách hàng của bộ phận có vị trí này là gì?
- Quy trình làm việc trong bộ phận? Thông tin đầu vào/đầu ra của vị trí công việc này nhận/làm ra là gì?
- Vị trí này sẽ giải quyết những vấn đề gì cho bộ phận và thường gặp những khó khăn nào?
WHERE: Vị trí này nằm ở đâu trong sơ đồ tổ chức của bộ phận/ Công ty?
WHO:
- Vị trí này báo cáo cho ai/ vị trí nào và quản lý ai/ vị trí nào khác?
- Các mối liên hệ khác như làm việc/ tương tác với các vị trí/ team/ đối tác/ khách hàng/…nào?
HOW:
- Kết quả công việc được đánh giá như thế nào?
- Định hướng phát triển, cơ hội thăng tiến của vị trí này như thế nào?
*** Đối với phần YÊU CẦU:
Thông thường, chúng ta sẽ đánh giá sự phù hợp của ứng viên qua 4 phần: Kiến thức; Kỹ năng; Kinh nghiệm; Thái độ/Tính cách. Để làm tuyển dụng hiệu quả cần hiểu và phân biệt được 4 khái niệm này:
- Kiến thức: UV cần bằng cấp/ chứng chỉ gì? (Trường, chuyên ngành học, xếp loại tốt nghiệp,…)
- Kỹ năng: Mình phân ra thành 2 phần: Kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm. UV cần có những kỹ năng nào để làm được công việc mô tả bên trên?
- Kinh nghiệm: Kinh nghiệm gì, trong bao lâu? Quy mô/ Đối tượng phục vụ (Khách hàng)/ Sản phẩm?
- Thái độ/tính cách: Giá trị cốt lõi của công ty; Văn hoá của bộ phận; “khẩu vị” của sếp.
Lưu ý: Hãy hỏi và yêu cầu HM trả lời chính xác các câu hỏi sau:
- Trong các yêu cầu nêu trên, yêu cầu nào là bắt buộc? (must-have) Tại sao? (nếu không có thì sao?) Yêu cầu nào có thì tốt, không có cũng được? (nice-to-have)
- Với kỹ năng và kinh nghiệm, cần hỏi rõ MỨC ĐỘ đối với từng tiêu chí như thế nào? Mức độ ở đây mình có thể chia ra 3 mức:
– Có hiểu biết: Có học/đọc hoặc đã nghe ai đó nói.
– Có khả năng làm được: Đã từng làm, có kết quả rõ ràng nhưng không thường xuyên hoặc làm với đối tượng khách hàng, sản phẩm có quy mô nhỏ hơn.
– Thành thạo: Đã từng làm và có kết quả rõ ràng với quy mô/ đối tượng/ sản phẩm tương tự hoặc lớn hơn.
Hy vọng với những chia sẻ trên đây, mình có thể giúp ích được phần nào cho các bạn đang làm Tuyển dụng!
*Photo: Internet