Gần đây khá nhiều bạn thắc mắc trên các group cũng như liên hệ trực tiếp với Thanh để nhờ tư vấn định hướng nghề nghiệp trong Tuyển dụng vậy nên Thanh chia sẻ nội dung này, hi vọng giúp ích cho các bạn quan tâm đến nghề này.
Trước hết chúng ta làm quen với bộ ba mindset, skillset, toolset. Đây là khái niệm được Stephen R. Covey đưa ra trong quyển sách “7 thói quen hiệu quả” của ông. Các khái niệm này được định nghĩa như sau:
Mindset (Tư duy): Có thể xem là quan điểm sống, góc nhìn, niềm tin,…là cách mà chúng ta nhận thức về thế giới xung quanh, cách ta sẽ quyết định hành vi và phản ứng với các tình huống trong công việc và cuộc sống.
Skillset (Kỹ năng): Là cách mà chúng ta hành động và cư xử dựa trên các kiến thức và hiểu biết của mình. Sử dụng thuần thục các kiến thức, hiểu biết vào thực tiễn và tạo ra được kết quả cụ thể thì mới trở thành kỹ năng.
Toolset (Công cụ): Những cơ chế giúp chúng ta phát triển kỹ năng và đạt được các kết quả cụ thể. Đây có thể là bất kỳ công cụ, phương pháp/quy trình, kỹ thuật, phần mềm ứng dụng, mô hình, cách tiếp cận vấn đề,…
Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời; Thái độ quan trọng hơn trình độ là những cách nói mà chúng ta rất hay nghe và từ đó cho ta thấy:
-
Toolset rất dễ học nhưng để vận dụng, luyện tập thành skillset là cả quá trình. Ví dụ rất nhiều bạn học, đọc về các công cụ searching để tìm CV trên LinkedIn, Google nhưng để search hiệu quả khi gặp đề bài khó là cả vấn đề vì lúc này phụ thuộc rất nhiều vào mindset.
-
Mindset là cái khó thay đổi nhất nhưng lại quyết định lớn nhất vào sự thành công. Mindset nói thì dễ, làm được thì rất khó.
-
Sử dụng toolset thường xuyên và thuần thục thì sẽ tạo thành skillset.
-
Có Skillset và dùng toolset thường xuyên, lặp đi lặp lại liên tục sau một thời gian sẽ tạo thành thói quen hay mindset.
-
Khi sở hữu mindset và có skillset, chúng ta có thể tối ưu, nâng cấp toolset.
-
Đến một lúc nào đó, chúng ta chỉ cần mindset mà không cần skillset + toolset (vì đã có người làm thay mình) – cấp độ Quản lý/Chuyên gia.
Vậy khi làm TUYỂN DỤNG thì sao?
TOOLSET:
-
Excel để quản lý dữ liệu UV, theo dõi công việc, làm báo cáo
-
Kỹ thuật searching để tìm CV không tốn phí trên LinkedIn, Google và các trang/MXH khác
-
Công cụ thiết kế, chỉnh sửa hình ảnh và MS Office
-
Công cụ/kỹ thuật phỏng vấn, đánh giá UV
-
Tiếng Anh
-
Email, điện thoại, ứng dụng chat và MXH
SKILLSET:
-
Giao tiếp hiệu quả cả trực tiếp và gián tiếp (Email, điện thoại, chat), cả nói và viết, đặc biệt là KỸ NĂNG LẮNG NGHE
-
Xây dựng và duy trì mối quan hệ
-
Giải quyết vấn đề
-
Thương lượng, đàm phán, thuyết phục
-
Tư duy logic
-
Làm việc nhóm
-
Lập kế hoạch & tổ chức công việc cho cá nhân
-
Tư duy phản biện (Critical thinking)
-
Viết lách, sáng tạo
-
Phỏng vấn và đánh giá UV
-
Nếu làm Leader/Manager thì cần thêm Kỹ năng quản lý/lãnh đạo: Lập kế hoạch & Tổ chức công việc; Phân công, giao việc và đánh giá hiệu quả công việc; Trao quyền, động viên khuyến khích Nhân viên; Coaching/Huấn luyên Nhân viên; Xây dựng chính sách, quy trình, biểu mẫu/công cụ; Lập kế hoạch, ngân sách tuyển dụng; Xây dựng cơ cấu team Tuyển dụng
MINDSET:
-
Dịch vụ khách hàng, Ứng viên, Hiring Manager là khách hàng của mình
-
Không ngừng học hỏi, cầu tiến
-
Job nào rồi cũng sẽ có UV phù hợp, Job càng khó thì càng phải nỗ lực liên hệ, tương tác nhiều UV hơn
-
Luôn giữ tâm thế bình đẳng giữa Công ty và UV
-
Tuyển người phù hợp nhất chứ không phải tuyển người giỏi nhất
-
Nếu tuyển chậm, không tìm được UV thì nguyên nhân đầu tiên chính là tôi (Recruiter)
Có một số bạn thắc mắc là nên làm tuyển dụng ở công ty nhỏ hay công ty lớn thì tốt hơn? Với kinh nghiệm của mình thì sẽ không có câu trả lời tuyệt đối, mỗi môi trường cty nhỏ và lớn đều có những ưu và nhược điểm khác nhau
Đối với Công ty vừa và nhỏ (Quy mô dưới 200 người):
-
Tính linh hoạt cao, việc ra quyết định nhanh chóng vì không có nhiều tầng, nhiều cấp quản lý, thông thường mọi quyết định đều nằm chỗ CEO, khi cần thiết thì rất dễ “break rule” (ví dụ offer lương cao hơn ngân sách ban đầu).
-
HR thường phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác như hành chánh, quan hệ đối ngoại, thậm chí là kế toán.
-
Chưa có quy trình bài bản, đây là một cơ hội (để build) và cũng là thách thức (mọi thứ có khả năng sẽ lộn xộn, không có quy định gì cả)
-
Ngân sách cho hoạt động nhân sự không nhiều, thông thường với các công ty quy mô nhỏ thì các ông chủ thường tập trung vào lợi nhuận hơn nên chưa đầu tư nhiều vào việc phát triển con người (họ đã có dàn “key” là Ban Giám đốc công ty có thể giải quyết được hầu hết mọi chuyện).
-
Thường không có chiến lược, kế hoạch rõ ràng cho hoạt động HR mà phải chạy theo nhu cầu của các bộ phận nên sẽ rất bị động và thường không được đánh giá cao.
-
Nhìn chung là bạn được làm nhiều thứ nhưng ít có cơ hội làm chuyên sâu, bạn sẽ lên chức rất nhanh nhưng chỉ tương thích với các công ty có quy mô tương tự hoặc bé hơn và càng về lâu dài bạn càng ít có cơ hội tham gia vào các tập đoàn lớn, vì ở các tập đoàn này họ đánh giá cao sự chuyên sâu và ở góc độ cá nhân nếu bạn tham gia vào tập đoàn lớn thì mặc định bạn sẽ bị “down level”.
Đối với Tập đoàn lớn:
-
Mọi thứ đều quy củ nên khi cần “break rule” thì rất khó, phải được sự phê duyệt từ công ty mẹ cấp vùng, cấp tổng công ty,..
-
Những gì mình phân tích bên trên công ty nhỏ thì ở tập đoàn lớn đều ngược lại và điểm sáng lớn nhất mình thấy là ở tập đoàn lớn bạn sẽ được học mọi quy trình, chính sách rất bài bản chuyên nghiệp, cơ hội làm sâu về chuyên môn và khi nhảy việc cơ hội bạn sẽ tốt hơn (phù hợp cả tập đoàn lớn và cty nhỏ và thường nếu sang công ty nhỏ level/title của bạn sẽ lên rất nhanh). Bên cạnh đó HR luôn có vai trò rõ ràng và tiếng nói nhất định trong công ty. Chiến lược hoạt động của công ty luôn gắn liền với hoạt động HR nên mọi thứ làm sẽ được chủ động hơn.
-
Điểm hạn chế lớn nhất khi làm tập đoàn lớn là bạn ít có cơ hội biết các mảng khác trong HR mà mình không trực tiếp làm, vì vậy bạn cần chủ động xây dựng mối quan hệ tốt với các anh, chị ở mảng khác đồng thời nếu có cơ hội thì xin được tham gia hỗ trợ để học hỏi thêm.
*Photo: Internet
*** Bản quyền bài viết thuộc về Trần Vũ Thanh. Cá nhân chia sẻ, đăng lại, trích dẫn, sử dụng bài viết vui lòng ghi rõ nguồn Coach Trần Vũ Thanh hoặc tranvuthanh.com. Tổ chức, trang web, các hội nhóm cần chia sẻ, đăng lại, trích dẫn, sử dụng bài viết vui lòng liên hệ trước qua email tranvuthanh.coach@gmail.com.