10
Share:

Employer Branding (Gọi tắt là EB) trở nên khá quen thuộc với các công ty hoạt động trong lĩnh vực IT/Internet/Online nói chung. Do xu hướng thị trường lao động trong lĩnh vực này cung chất lượng luôn ít hơn cầu nên các công ty phải nổ lực xây dựng môi trường làm việc, chính sách phúc lợi,… nhằm thu hút ứng viên và không ngừng ra sức quảng bá đến các ứng viên tiềm năng.

Với một ít kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực IT, mình bàn một chút về hoạt động EB hiện nay và sắp tới, cũng rất mong nhận được thêm những nhận định, đánh giá của các anh, chị và các bạn cho nội dung này.

Thực tế, Mình bắt đầu thực hiện các hoạt động EB từ năm 2010 khi còn làm ở VNG, tuy nhiên cứ vừa làm vừa trải nghiệm vừa học và mãi đến 2,3 năm sau mình mới biết việc mình làm được sách vở gọi là hoạt động EB. Thời điểm đó VNG mới đổi tên từ Vinagame thành VNG và hầu như trên thị trường lao động chỉ có các bạn làm trong lĩnh vực IT/Online và một ít Sinh viên IT có chơi game biết đến Vinagame, Sinh viên khối Kinh tế, Ngoại thương hầu như không quan tâm Vinagame.

Thời điểm 2009 – 2010 có thể xem là giai đoạn phát triển bùng nổ của VNG và liên tục các năm sau đó nhu cầu tuyển dụng của VNG rất lớn và áp lực cạnh tranh nguồn nhân lực giữa các công ty IT cũng bắt đầu gia tăng (Chủ yếu là các công ty outsourcing, thời điểm đó ít công ty làm product như VNG). Chính vì nhu cầu tuyển dụng tăng rất lớn nên VNG phải xuất hiện liên tục ở các trường ĐH, CĐ (Cả khối non-IT), VNG luôn có mặt trong các chương trình trao học bổng, ngày hội việc làm, tài trợ các cuộc thi học thuật của Sinh viên; thiết kế chương trình VNG tour (Tham quan văn phòng làm việc của VNG, tìm hiểu cơ hội việc làm,…), mình còn nhớ rất rõ khoảng thời điểm năm 2012 mỗi tháng VNG tiếp 3-4 đoàn Sinh viên tham quan từ các trường ĐH trên khắp địa bàn TP HCM và cũng nhờ vậy mà khoảng 2 năm sau đó cho đến tận bây giờ, cái tên VNG khá quen thuộc với các bạn Sinh viên.

Đó là những hoạt động đầu tiên mình được tham gia cùng với nhóm Tuyển dụng của VNG để thu hút ứng viên tiềm năng nhưng mãi đến vài năm sau mình mới được biết cụm từ Employer Branding là tên gọi mỹ miều cho các hoạt động này.

cong-nghe-thong-tin-03

Khoảng hơn 1 năm trở lại đây thì hoạt động EB của các công ty IT ngày càng nhiều, càng đa dạng, tuy nhiên đa phần các công ty làm gần giống nhau nên bắt đầu có sự nhàm chán và theo mình nhận thấy hoạt động EB hiện tại và sắp tới muốn hiệu quả các công ty nên cân nhắc:

  1. Đối với đối tượng có kinh nghiệm:
  • Xu hướng startup vẫn đang rất “hot” trên thị trường và hầu như các bạn làm tech có kinh nghiệm phần lớn rất quan tâm, mong muốn có cơ hội được làm startup. Vì vậy công ty nào cung cấp được môi trường, các điều kiện và cơ hội được làm starup thì các bạn sẽ để ý nhiều hơn (Có vẻ hiện nay trên thị trường VNG là đang đi đúng hướng nhất, VNG tập trung truyền thông và target rất sát đối tượng tech quan tâm startup và VNG cũng là một công ty có môi trường startup thật sự). Mình quen vài người bạn làm IT thì hầu như bên cạnh việc làm chính thức cho một công ty các bạn đều có những dự án khởi nghiệp riêng cùng với bạn bè đề kiếm thêm thu nhập, trau dồi kỹ năng. Để thú hút đối tượng này các công ty có thể làm các seminar nhỏ nhưng mà “chất” xoay quanh các chủ đề startup, chia sẻ các câu chuyện, kinh nghiệm khởi nghiệp và có những dự án đề các bạn này trải nghiệm nếu có cơ hội gia nhập công ty.
  • Với điều kiện hiện tại, thông tin truyền thông phát triển rất mạnh (mạng xã hội, báo chí online,…) một bạn tech đã đi làm được khoảng 3 năm trở lên thì hầu như đều BIẾT đến các công ty IT lớn trên thị trường, vậy nên việc cho các UV senior BIẾT đến công ty mình có vẻ không còn quá quan trọng mà quan trọng hơn là cho các bạn HIỂU RÕ về công ty. Để hiểu rõ về công ty thì không gì tốt hơn là nghe người trong cuộc nói, người trong cuộc ở đây chính là các NHÂN VIÊN công ty. Vì vậy hiện tại làm EB cho đối tượng có kinh nghiệm các công ty nên đặc biệt chú trọng việc xây dựng môi trường, các chính sách phúc lợi, văn hóa và các điều kiện làm việc thật tốt để bảo đảm mọi Nhân viên đều thấy “sướng” khi làm việc ở công ty và họ sẽ là người truyền thông tốt nhất đến bạn bè, đồng nghiệp nghiệp cũ – chính là những ứng viên tiềm năng.
  1. Đối với đối tượng fresh (Sinh viên sắp/mới ra trường):

Khoảng 7-8 năm trước, các công ty IT thường cho Sinh viên biết đến mình thông qua các chương trình trao học bổng và ngày hội việc làm nhưng cũng còn khá bị động (Học bổng thì nhà trường kêu gọi, Ngày hội việc làm thì chỉ có gian hàng cùng với một vài tờ rơi giới thiệu về công ty, các vị trí tuyển dụng và các bạn tham gia (phía công ty) thì chỉ việc ngồi trong gian hàng đợi Sinh viên đi ngang qua có hỏi gì thì trả lời, không thì thôi, thậm chí không cần mỉm cười chào Sinh viên).

Xu hướng bắt đầu thay đổi khoảng 3 năm trở lại đây: Học bổng cũng được thiết kế khác; Ngày hội việc làm thì các công ty rất chủ động trong việc tiếp cận Sinh viên (Tổ chức trò chơi, đứng ra bên ngoài tiếp đón nồng nhiệt tranh thủ quảng bá công ty,…) đặc biệt các công ty còn tổ chức các hội thảo chuyên đề để vừa giới thiệu công nghệ vừa “sales” về công ty. Tuy nhiên hầu như  tất cả đều tập trung đối tượng Sinh viên SẮP RA TRƯỜNG (năm 3,4). Theo mình nhận định, hiện tại có vẻ Sinh viên sắp ra trường bị “bội thực” với các hoạt động truyền thông, quảng bá của các công ty (Các bạn hầu như biết số điện thoại bàn các công ty, thấy số gọi đến là biết công ty nào luôn và cũng chẳng buồn nghe vì biết rất rõ điều mình sắp nghe) và hầu như các công ty đều làm các hoạt động tương tự nhau (vì các hoạt động nay rất dễ bắt chước, làm theo).

Để hiệu quả hơn có lẽ các công ty nên xem xét việc thay đổi cách làm, dưới đây là một vài gợi ý của mình:

  • Trước hết hãy tiếp cận Sinh viên từ rất sớm, ngay khi các bạn bước chân vào môi trường Đại học, hãy tranh thủ xuất hiện và bằng mọi cách để các bạn Sinh viên năm nhất biết đến công ty mình càng sớm càng tốt và trong suốt 3 năm đầu ĐH tranh thủ cho các bạn thấy về các điều kiện làm việc, môi trường và cơ hội phát triển ở công ty mình như thế nào. Ngay từ khi SV còn chưa biết mình học IT xong ra trường làm gì hãy  định hướng, chia sẻ để giúp các bạn có cái nhìn rõ hơn về tương lai ngành nghề mình đang học và nếu làm được như thế chắc chắn khi ra trường các bạn sẽ muốn làm việc cho công ty của bạn.

Để làm được điều này công ty phải chịu khó phối hợp với các Khoa, Đoàn/Hội Sinh viên để được xuất hiện LIÊN TỤC trong các buổi đón Tân Sinh viên và các hoạt động thường niên của Khoa. Mình vẫn khuyến khích làm việc với Khoa hơn là Trường vì Khoa mới là người gần gũi, hiễu rõ Sinh viên mình cần gì. Sinh viên IT giờ đã có thể đi làm thêm về chuyên môn từ cuối năm 2, đầu năm 3 ĐH nên đợi đến năm 3 mới xuất hiện là quá trễ, hơn nữa lúc đó công ty nào cũng xuất hiện nên rất khó tạo được sự khác biệt.

Sinh viên IT phần lớn là hơi lười với các hoạt động, ngay cả việc làm CV để dự tuyển vào một chương trình nào đó của công ty cũng lười (Cuộc thi, học bổng,…) vì vậy việc tiếp xúc thường xuyên, chia sẻ gần gũi thân thiện từ phía các bạn làm Nhân sự ở các công ty là rất cần thiết. Các bạn Sinh viên sẽ có ấn tượng tốt với công ty khi công ty có những bạn làm Nhân sự thật sự “có tâm” – chịu khó chia sẻ, chát với Sinh viên để định hướng, giúp đỡ các bạn giải quyết những khó khăn vướng mắc khi tham gia ứng tuyển.

Phần lớn Sinh viên hiện nay quyết định lựa chọn công việc/công ty là tham khảo ý kiến Thầy/Cô, bạn học cùng lớp (nếu bạn đó đã đi làm và cảm thấy thích công việc/công ty hiện tại) và các anh, chị học khóa trên. Vì vậy có 2 việc rất quan trọng mà Doanh nghiệp cần xem xét nếu muốn tuyển được nhiều Sinh viên mới ra trường:

  • Tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ về công việc, định hướng hướng nghề nghiệp (Nhớ làm sớm từ khi các bạn còn học năm 1,2) và diễn giả chính là các CỰU SINH VIÊN của chính Khoa các bạn đang học. Sinh viên sẽ có lòng tin rất lớn với đàn anh đàn chị đi trước nên các bạn cựu SV chính là cầu nối rất tốt cho SV và Doanh nghiệp của bạn.
  • Xây dựng mối quan hệ thật tốt với các Thầy/Cô “có tâm” và gắn bó gần gũi với Sinh viên. Thầy/Cô chính là người mà Sinh viên vừa sợ, vừa nghe lời và gần như tin tưởng tuyệt đối. Tốt hơn nữa là công ty hãy partnership với Thầy Cô để nhờ Thầy Cô giới thiệu SV tốt và đặc biệt nếu có được một Giảng viên uy tín làm cho công ty mình là điều tuyệt vời nhất, đảm bảo lúc đó công ty bạn sẽ không phải lo lắng, áp lực trong việc tuyển Sinh viên (Hiện tại có một số công ty làm rất tốt việc này như YouNet, Renesas, Misfit/Fossil,…)

Tóm lại, với thị trường lao động IT ngày càng cạnh tranh khốc liệt thì việc làm EB là rất quan trọng, tuy nhiên làm đúng hướng và hiệu quả luôn là thử thách rất lớn với các Doanh nghiệp IT nói chung. Với đối tượng là người đi làm có kinh nghiệm thì tạo môi trường startup là rất quan trọng đồng thời hãy chú trọng xây dựng môi trường, văn hóa làm việc tốt nhất để mỗi thành viên của công ty đều thấy tự hào khi được làm việc ở đó, họ chính là những Đại sứ cho thương hiệu tuyển dụng. Với đối tượng Sinh viên thì hãy tiếp cận thật sớm ngay khi các bạn vừa bước chân vào giảng đường ĐH; tích cực phối hợp với các Thầy Cô trong Khoa để nhờ Thầy Cô làm cầu nối, đặc biệt nếu có điều kiện hãy mời Thầy Cô làm việc cho công ty hay partnership với Thầy Cô để có nguồn ứng viên  fresh. Việc gần gũi, chia sẻ với Sinh viên từ những cựu Sinh viên, những người làm Nhân sự cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc gây ảnh hưởng, thuyết phục Sinh viên gia nhập đội ngũ công ty.

Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân (mình cũng không nhằm PR cho bất kì công ty, tổ chức nào) và hi vọng sẽ nhận được thêm những góp ý từ:

  • Các anh chị và các bạn có kinh nghiệm trong lĩnh vực EB
  • Các bạn Ứng viên (Sinh viên sắp ra trường, người đi làm có kinh nghiệm)
  • Quý Thầy Cô từ các trường Đại học có đào tạo IT

Tháng 10/2016.

*Photo: Internet