Gần đây mình có đọc được một bài viết về chủ đề Giám đốc Nhân sự (link bài viết: https://bit.ly/2xfjxY2). Mình sẽ đi theo sườn bài viết của tác giả và chia sẻ thêm một số góc nhìn cá nhân.
[Rất cảm ơn tác giả bài viết trên đã giúp mình có ý tưởng đào sâu phân tích và chia sẻ một số góc nhìn của mình.]
Riêng về lộ trình phát triển lên Giám đốc Nhân sự (GDNS) thì mình chưa dám bàn vì thực tế chưa trải nghiệm, chỉ có thể chia sẻ ở góc độ một người làm Nhân sự lâu năm, có cơ hội làm việc trực tiếp với nhiều GDNS và CEO.
PHẦN 1 – VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA GDNS
Mình rất đồng tình với bài viết ở những đoạn trích dẫn bôi màu trên, chỉ bổ sung thêm một chút là làm Nhân sự nói chung dù bất kỳ ở vị trí nào thì việc thấu hiểu mô hình kinh doanh, chức năng nhiệm vụ, quá trình vận hành của các Phòng ban trong công ty là rất cần thiết, tóm gọn chỗ này là làm Nhân sự thì phải hiểu business.
Còn vai trò, trách nhiệm của HR nói chung chỉ có một ý duy nhất là làm cho công ty/tổ chức hoạt động hiệu quả hơn, để làm được điều này thì HR có trách nhiệm:
- Tập hợp nguồn lực và giúp công ty phát huy tối đa năng lực của Nhân viên để tồn tại và phát triển;
- Giúp Nhân viên nâng cao năng lực để tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của công ty.
Chức năng, nhiệm vụ cụ thể của HR cũng là của GDNS thì xoay quanh các việc sau:
- Thiết kế, xây dựng cơ cấu tổ chức (OD);
- Thu hút, tuyển dụng nhân tài (TA);
- Đào tạo phát triển nhân viên (L&D);
- Xây dựng chính sách lương thưởng, chấm công trả lương và thực hiện các nghiệp vụ Bảo hiểm, Thuế theo quy định Pháp luật (C&B);
- Quản trị nhân tài, xây dựng đội ngũ kế thừa (TA/OD/L&D);
- Quản trị sự thay đổi;
- Có thể có thêm: Truyền thông nội bộ và Xây dựng văn hóa doanh nghiệp (VHDN), tuy nhiên cá nhân mình nghĩ việc xây dựng VHDN là nhiệm vụ của lãnh đạo Công ty (Đầu tàu là CEO), lãnh đạo của tất cả các Phòng ban chứ không riêng gì HR.
Quay lại một số chức năng nhiệm vụ của GDNS mà bài viết đề cập, góc nhìn của mình:
- “Cố vấn luật cho ban giám đốc”: Nếu là Luật lao động thì đúng, tuy vậy, ở tầm công ty có GDNS thì thường phải có C&B Manager và các anh, chị C&B Manager thông thường là người rất rành Luật lao động hoặc ít nhất khi cần họ thừa khả năng để cập nhật, tìm hiểu và xử lý. Vậy nên GDNS không nhất thiết phải là người giỏi Luật để có thể cố vấn cho BGD, họ chỉ cần tuyển được một C&B Manager giỏi là mọi việc liên quan đến Luật lao động được giải quyết.
Còn nói GDNS phải cố vấn Luật cho BGD ngoài Luật lao động thì càng không phù hợp chức năng nhiệm vụ của họ, Luật thì là của Bộ phận Pháp Lý – Tuân thủ.
- “Kiểm soát các việc hành chính”: Đã là việc Hành chính thì là trách nhiệm của Bộ phận Hành chính, GDNS không nhất thiết kiểm soát việc này. Trưởng BP Hành chính hoàn toàn có khả năng làm việc với CEO, COO để thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. Một số công ty hay gom vô cho GDNS quản lý luôn là để tiết kiệm chi phí tuyển Trưởng BP Hành chính hoặc CEO, COO không thích quản lý BP này vì rất nhiều việc tủn mủn phải can thiệp, ra quyết định (Do không chịu trao quyền cho Trưởng BP Hành chính). Thậm chí một số công ty thì GDNS quản lý luôn cả Bộ phận IT, lúc này GDNS đang đóng vai của COO (Quản lý các BP: HR, Admin, Legal, IT) vì công ty không có người phụ trách vị trí này, CEO thì lo tập trung phát triển kinh doanh.
- “Phát triển quy trình nội bộ”: Góc nhìn của mình thì GDNS không làm việc này nhé, nếu là quy trình nội bộ của HR thì hợp lý, còn quy trình nội bộ của cả công ty thì chưa phù hợp. Quy trình nội bộ công ty theo mình thì bộ phận nào chịu trách nhiệm vận hành quy trình đó thì BP đó xây dựng, phát triển quy trình, song song đó là có bộ phận Kiểm soát nội bộ (Internal Audit/Internal Control) giám sát, góp ý để cập nhật, hoàn thiện quy trình.
Đây là bài viết được chia sẻ với góc nhìn cá nhân, rất mong nhận được thêm những chia sẻ, đóng góp từ các anh, chị có nhiều kinh nghiệm và góc nhìn thực tiễn.
(Còn tiếp)
*Photo: Internet