Dạo này có vẻ các ông chủ của doanh nghiệp Việt Nam nhiều người nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng Văn hoá Doanh nghiệp hay sao mà mình thấy nhiều bạn HR gần đây hay nhận được đề bài “xây dựng văn hoá công ty”.
Qua cách đặt câu hỏi của bạn này làm mình gợi nhớ đến một số điểm:
– Sếp (CEO/chủ DN) sau khi đi hội thảo, đi học hoặc đi gặp trò chuyện với một cao nhân nào đó về và hay ra đề bài cho HR làm vì thấy hay hoặc DN mình chưa có. Khi làm HR trong tình huống này cần hết sức tỉnh táo trao đổi xem ĐIỀU THỰC SỰ SẾP MONG MUỐN LÀ GÌ, tức là sếp mong đợi công ty đạt được KẾT QUẢ CỤ THỂ gì sau khi thực hiện/triển khai chương trình, chính sách ABC…Kinh nghiệm mình thấy đôi khi các sếp hay dùng những từ đao to búa lớn nhưng khi tìm hiểu kỹ thì chỉ là sếp cần giải quyết một vấn đề nào đó đang tồn tại trong công ty.
Tóm lại trước khi bắt tay hay tìm hiểu LÀM NHƯ THẾ NÀO để đáp ứng yêu cầu của cấp trên thì tìm hiểu LÀM CÁI GÌ trước đã.
– Các bạn HR đọc tài liệu mà làm được thì mấy anh, chị HR Director, HR Manager mười mấy hai chục năm kinh nghiệm chắc giờ thất nghiệp hết rồi, hoặc các anh, chị làm chuyên gia tư vấn cũng giải nghệ cả rồi, nhưng thực tế là họ vẫn đang đi làm và nhận thù lao khủng.
Kinh nghiệm mình thấy thậm chí đi học những lớp đào tạo ngắn ngày về cũng chưa chắc áp dụng và làm được vì khi đụng đến các vấn đề CON NGƯỜI thì rất muôn màu muôn vẻ, gần như không có quy tắc nào đúng tuyệt đối và cần phải căn cứ vào thực trạng, bối cảnh của từng công ty ở từng thời điểm. Vậy nên cách tốt nhất là:
- Đi học, đọc tài liệu tham khảo xong là bắt tay vô làm ngay, khi làm mới thấy có rất nhiều vướng mắc mà cái mình học, đọc chưa bao giờ mô tả tới;
- Trong quá trình làm ít nhất có một vài Mentor, là những người rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó để chúng ta tham vấn khi cần thiết và điều này là chắc chắn cần thiết.
Khi đi học hoặc đọc tài liệu, quy trình có sẵn, ít ai biết được đằng sau những tài liệu, quy trình, chia sẻ đó là những thất bại ê chề trong quá trình làm việc họ mới đúc kết được và thường đi học Thầy/Cô hay chia sẻ những thành tựu hơn là những thất bại (Vì không ai hỏi hoặc không đủ thời gian chia sẻ). Khi làm việc với Mentor, nếu bạn chịu khó và biết cách đặt câu hỏi thì sẽ hiểu được những nguyên lý, phương pháp luận sâu xa để giải quyết vấn đề, từ đó bản thân chúng ta sẽ được “nâng cấp” hơn để có khả năng giải quyết những vấn đề tiếp theo, vậy nên trước khi đi học hoặc tìm Mentor thì cần học trước kỹ năng ĐẶT CÂU HỎI cái đã.
*Photo: Internet