10
Share:

Thông thường sau buổi phỏng vấn Nhà tuyển dụng (NTD) sẽ dành thời gian để Ứng viên đặt câu hỏi cho hội đồng phỏng vấn để tìm hiểu thêm về công ty, công việc. Chất lượng câu hỏi của UV cũng phần nào góp phần cho việc đánh giá kết quả phỏng vấn, vậy nên chúng ta cần hỏi những câu gì cho NTD? Trong hình là chia sẻ của một bạn UV nhiều kinh nghiệm, mình chia sẻ thêm một số góc nhìn từ bài viết này.


Câu số 1
Theo mình hiểu mục đích câu hỏi này là UV muốn biết thêm về độ gắn bó của NV ở cty này, từ đó đánh giá thêm về môi trường làm việc. Tuy vậy theo mình đây là câu chưa nên hỏi trong buổi phỏng vấn vì thường thông tin này không phải công ty nào cũng có thể chia sẻ khi bạn chỉ mới là UV, hơn nữa cho dù công ty có trả lời thì thông tin này chưa chắc là xác thực và bạn cũng không thể nào đi xác thực được thông tin này. Một thông tin mà hỏi xong chúng ta cũng chưa xác thực được thì chưa cần phải hỏi, theo quan điểm cá nhân của mình là vậy. Để đánh giá thêm về môi trường làm việc, lý do ra đi hay ở lại của Nhân viên công ty đó bạn nên tham khảo thêm vài người đã từng làm công ty này để có nhiều góc nhìn khác nhau.


Câu số 2
“Mức lương căn bản của em sau thuế là bao nhiêu? Thưởng sẽ được trả vào ngày nào, có được ghi trong hợp đồng rõ ràng không, nếu trả chậm công ty sẽ đền bù gì cho em? KPI và OKR của công ty mình cho vị trí này như thế nào, và công thức tính thưởng cho KPI có được public không? Bao nhiêu lâu thì review lương và position?”

Mình chia nhỏ ra từng ý “Mức lương căn bản của em sau thuế là bao nhiêu? Thưởng sẽ được trả vào ngày nào, có được ghi trong hợp đồng rõ ràng không, nếu trả chậm công ty sẽ đền bù gì cho em?”

Đây là một câu mà theo mình là chưa nên hỏi ngay sau buổi phỏng vấn mà nên hỏi sau khi công ty gửi offer cho bạn, lúc đó nếu trong offer không ghi rõ thì hỏi lại. Việc trả chậm và đến bù thì càng chưa nên hỏi lúc này vì đó là việc của tương lai chưa xảy ra, hơn nữa việc này nếu có thì giải quyết theo Luật lao động, Nội quy lao động của công ty. Nếu cần bạn nên tìm hiểu Luật hoặc yêu cầu công ty gửi cho bạn Nội quy lao động để bạn tham khảo trước khi quyết định có nhận offer không.

“KPI và OKR của công ty mình cho vị trí này như thế nào, và công thức tính thưởng cho KPI có được public không?”

Hỏi về KPI thì tốt, OKR thì nên cân nhắc vì không phải công ty nào cũng có áp dụng OKR. Vậy nên trước khi hỏi câu này chúng ta nên hỏi trước là Công ty mình quản lý và đánh giá thành tích/hiệu quả công việc của Nhân viên bằng hình thức hay hệ thống gì? Sau đó mói hỏi sâu vô.

Và trước khi hỏi KPI của vị trí này như thế nào thì theo mình nên hỏi trước một ý là “Công ty mong đợi Người phụ trách vị trí công việc này vào sẽ giải quyết vấn đề gì cho công ty?”, sau đó mới hỏi tiếp là KPI sẽ bao gồm những điểm gì. Ngoài ra cũng cần hỏi thêm là KPI được ghi nhận/tracking như thế nào? Như thế nào được đánh giá là tốt/xuất sắc.

Theo mình đã không hỏi về KPI thì thôi, còn nếu hỏi thì phải hỏi cho tới và mình thường hỏi câu này sau khi đã nhận được offer của công ty chứ không phải ngay sau buổi phỏng vấn, khuyến khích các bạn hỏi và nhận được câu trả lời bằng email chứ không phải nói miệng.

“Công thức tính thưởng cho KPI có được public không?”

Câu này không cần thiết hỏi, việc public hay không chẳng quan trọng, nếu bạn muốn chắc chắn thì yêu cầu công ty đưa vào offer hoặc Hợp đồng/Phụ lục HDLD.

“Bao nhiêu lâu thì review lương và position?”, câu này thì nên hỏi và kinh nghiệm mình thấy hầu như công ty nào cũng sẽ trả lời bạn thường là mỗi năm 1 lần hoặc mỗi năm 2 lần. Tuy nhiên lúc vô làm rồi thì chúng ta sẽ thấy việc này phụ thuộc rất nhiều vào tình hình công ty cũng như kết quả công việc của bạn ở thời điểm đó, không có gì là chắc chắn cả, mà đã không chắc thì có câu trả lời rồi cũng thế thôi. Ngược lại một số công ty chưa có chính sách review lương, cấp bậc hàng năm thì nếu bạn làm tốt bạn có thể chủ động đề xuất.


Câu số 3
“Bên mình có thể giải thích rõ về sản phẩm/dịch vụ và ứng dụng của công ty (solutions) vào một đối tác gần đây nhất được không?“

Đây là một câu rất nên hỏi để giúp mình hiểu rõ hơn về sản phẩm, dịch vụ của công ty. Tuy vậy cách đặt câu hỏi này theo mình là chưa mang lại thiện cảm cho NTD lắm. Để phát huy hiệu quả của câu hỏi này mình khuyến khích trước khi tham gia phỏng vấn bạn nên chủ động tìm hiểu, trải nghiệm/dùng thử một số sản phẩm/dịch vụ của công ty, sau đó nếu có chỗ nào chưa rõ lắm thì đi phỏng vấn hỏi thêm theo kiểu: Em có tìm hiểu qua sản phẩm/dịch vụ của công ty tuy nhiên có chỗ…em chưa rõ lắm, nhờ anh/chị chia sẻ thêm giúp em.

 

Câu số 4 
“Các phòng ban làm việc có ăn ý và hỗ trợ lẫn nhau không? Nếu giữa các phòng ban có tranh chấp, HR sẽ giải quyết như thế nào?”

Theo mình đây là một câu không nên hỏi trong buổi phỏng vấn vì không công ty nào dại dột chia sẻ điều chưa tốt một cách trần trụi cho bạn khi bạn đang là Ứng viên tiềm năng. Hơn nữa việc hỗ trợ hay phối hợp ăn ý giữa các phòng ban trong một công ty thì luôn có sự khác nhau giữa phòng này với phòng kia, khác nhau giữa cảm nhận của người này với người kia, nó không có chuẩn chung nào để đánh giá toàn công ty cả.

Vậy vậy để hỏi câu này bạn nên hỏi thẳng vào điều bạn mong muốn: Phòng tôi sắp làm việc có được các phòng ban khác hỗ trợ hiệu quả không. Và với mục đích này chúng ta có thể hỏi như sau: Cho em hỏi là Vị trí mình đang tuyển nếu vào làm thì công việc sẽ phải phối hợp hay cần sự hỗ trợ từ những Bộ phận/Phòng ban nào? Và kinh nghiệm của anh, chị trước đây thì chúng ta hay gặp khó khăn gì khi phối hợp với các BP/PB này? Hỏi xong và chúng ta cũng cần tham khảo thêm với những người từng làm tron gcong6 ty này để có thêm thông tin.

“Nếu giữa các phòng ban có tranh chấp, HR sẽ giải quyết như thế nào?”

Đây là một câu hoàn toàn không nên hỏi vì giải quyết như thế nào nó tuỳ vào tình huống, làm gì có câu trả lời chung cho ý này mà hỏi chi mất thời gian, có chăng bạn cũng sẽ nhận được câu trả lời kiểu nước đôi chung chung. Hơn nữa bạn chưa biết gì nhiều về công ty mà đã phát biểu những ý tiêu cực trong công ty thì không nên chút nào, càng không phù hợp khi bạn tự kết luận là HR sẽ giải quyết, HR không thần thánh đến như vậy đâu.


Câu số 5

“Thời gian quy định làm việc và OT như thế nào, có được ghi trong hợp đồng không? Công ty có timesheet management không?”

Câu này theo mình chưa cần hỏi trong buổi phỏng vấn, khi bạn nhận được offer thì khắc biết. Chỉ nên hỏi là công ty sẽ chấm công cho NV như thế nào và có điểm nào cần lưu ý về việc chấm công cho một người mới gia nhập công ty không?

Những ý này nên hỏi sau khi nhận được offer.

“Nếu chấm công, trường hợp phát sinh lỗi thường xuyên, HR sẽ giải quyết như thế nào?”

Đây là một câu hoàn toàn không nên hỏi, tương tự câu 4, chưa gì đã nêu những ý rất tiêu cực trong công ty. Bạn chỉ nên hỏi ý này sau khi bạn đã hiểu rất rõ cách chấm công của công ty và nếu thực sự quan tâm lo lắng thì liệt kê ra một số tình huống mình có thể gặp phải khi đi làm và hỏi công ty là các trường hợp như vậy thì chính sách/quy định của công ty như thế nào để mình thích ứng. Ví dụ: Công ty bắt buộc checkin bằng dấu vân tay đầu giờ, vậy trường hợp công việc em thường xuyên ra ngoài gặp khách hàng, đôi khi sáng em gặp khách hàng trước rồi mới vào công ty luôn. Trường hợp này việc chấm công quy định hay xử lý ra sao
Và những điều này chỉ nên hỏi kỹ sau khi nhận offer.

Nhìn chung theo mình đánh giá, đặt câu hỏi là một việc rất khó, nó ít nhiều phản ánh mức độ quan tâm cũng như năng lực, khả năng tư duy của Ứng viên. Cá nhân mình ở góc độ Nhà tuyển dụng, khi trao đổi với UV mình rất khuyến khích UV đặt câu hỏi và cũng dựa trên những câu hỏi mà UV đưa ra để đánh giá sự phù hợp.

5 câu sau hẹn bài viết tiếp theo nhé.


*Photo: Internet