10
Share:

Tính đến thời điểm hiện tại mình đã chia sẻ cho hơn 5000 lượt Sinh viên về chủ đề hoàn thiện CV & phỏng vấn, điểm chung của tất cả những buổi chia sẻ là gần như lần nào cũng nhận được câu hỏi thắc mắc là “Làm thế nào để CV của em trở nên ấn tượng hơn?”, mình hay trả lời là dễ lắm, chỉ cần hình avatar em để “nguyên con” bikini hoặc 6 múi là bảo đảm ấn tượng, và thực tế là với mình CV không có đẹp hay ấn tượng mà chỉ có phù hợp với vị trí mình dự tuyển không thôi.

Vậy làm thế nào để CV phù hợp với vị trí mình muốn ứng tuyển và bảo đảm gửi CV là được gọi phỏng vấn ngay?

Theo mình có 2 bước:
1) Tìm hiểu kỹ về vị trí ứng tuyển
2) Điều chỉnh CV cho phù hợp với mô tả công việc và yêu cầu tuyển dụng của vị trí đó.
Bước 2 sẽ rất khó nếu bước 1 làm không kỹ và thường các bạn gửi CV nhưng chưa được gọi phỏng vấn là vì bước một bạn chưa đầu tư thời gian nghiêm túc.


Đối với Sinh viên mới ra trường, CV có rất nhiều nội dung nhưng để bạn được nhà tuyển dụng dừng lại, chú ý và đọc tiếp sau khoảng 6s – 8 s screening thì bắt buộc bạn phải có USP (Unique Selling Point) để cạnh tranh với hàng chục, hàng trăm CV khác cùng ứng tuyển cho vị trí đó.

Vậy USP của bạn trên CV là gì?
Có 3 điểm bạn có thể dùng làm USP: Quá trình học vấn; Kinh nghiệm làm thêm; Các hoạt động ngoại khoá. Mình hay chia sẻ nếu bạn nào có được 3 trong 1 – vừa gội vừa tắm vừa xả là rất tốt, hoặc là 2 trong 1 (Vừa gội vừa tắm hoặc vừa gội vừa xả) cũng khá tốt và tối thiểu cũng nên được một trong chức năng trên.

  1. Khi bạn còn là Sinh viên, nhiệm vụ chính của bạn là học nên hãy cố gắng học thật giỏi để đạt điểm cao, học bổng, tích cực tham gia và đoạt giải các cuộc thi về học thuật trong và ngoài trường, đoạt giải các cuộc thi có quy mô càng lớn thì USP của bạn càng có giá trị. Bạn dành nhiều thời gian để đọc sách báo tài liệu chuyên ngành để mở rộng kiến thức chuyên môn và chủ động đi học thêm các chứng chỉ, bằng cấp có liên quan đến chuyên ngành học. Làm tốt được điều này bạn đã có được MỘT điểm trong USP.
  2. Bạn không tập trung học thật giỏi vì thích đi làm thêm hơn, cũng được thôi. Hãy chủ động đi làm thêm trong lúc đi học, làm bất cứ việc gì để được trải nghiệm, va chạm thực tiễn, mỗi công việc sẽ ít nhiều giúp bạn trưởng thành hơn trong giao tiếp suy nghĩ, hơn nữa thường đi làm thêm bạn cũng sẽ được huấn luyện, đào tạo để làm tốt. Nếu bạn may mắn đã nhận ra đam mê, định hướng nghề nghiệp của mình ngay lúc còn đi học thì hãy cố gắng tìm kiếm và dành ít nhất 3 tháng làm thêm các công việc có liên quan đến lĩnh vực nghề nghiệp bạn muốn theo đuổi trước khi ra trường. Kinh nghiệm đi làm thêm sẽ là một điểm USP rất có giá trị trên CV của bạn.
  3. Bạn không đi học và cũng không đi làm thêm vì mải mê tham gia các hoạt động Đoàn/Hội, các Câu lạc bộ/Đội nhóm trong và ngoài trường, đấy cũng là một điểm USP rất được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Khi tham gia các hoạt động ngoại khoá bạn có nhiều cơ hội gặp gỡ, giao tiếp với bạn bè, anh, chị khoá trên và đặc biệt là cơ hội tiếp cận với các anh, chị đã đi làm. Nếu biết xây dựng và duy trì mối quan hệ, những người này sẽ hỗ trợ được rất nhiều cho cuộc sống và sự nghiệp sau này của bạn.

Bên trên là 3 điểm USP bạn có thể trau dồi và rèn luyện, nếu bạn có được 2 trên 3 thì rất tốt còn nếu bạn đạt cả 3 điểm trên thì bạn xuất sắc mất rồi, còn nếu thấy mình chưa có điểm nào thì khoan hãy nghĩ đến việc trình bày CV như thế nào cho ấn tượng mà hãy dành thời gian để rèn luyện và trau dồi USP cho mình trước đã.

Qua đó có thể thấy để CV “đẹp” hay “ấn tượng” không phải là chúng ta trình bày, trang trí tô vẽ như thế nào mà quan trọng là LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ THÔNG TIN trình bày trong CV, tức là ngay từ khi còn đi học bạn hãy hành động quyết liệt để bồi đắp USP cho mình. Khi bạn đã có USP chất như quả gấc rồi thì việc trình bày lại các thông tin sẽ dễ như ăn chè vậy.

Chúc các bạn sẽ luôn thành công với lựa chọn nghề nghiệp của mình!

Các bạn gặp khó khăn trong vấn đề tìm việc (Phỏng vấn, hoàn thiện CV, định hướng nghề nghiệp) có thể tìm hiểu và liên hệ với mình theo thông tin ở link: http://bit.ly/2VlXYL9

*Photo: Internet