10
Share:

“Việc kiểm tra thông tin tham khảo ứng viên” (Mình gọi tắt là ref check) ở thị trường lao động Việt Nam có vẻ chưa được chú trọng lắm (trừ các công ty bên mảng tài chính ngân hàng, bảo hiểm), đặc biệt là các công ty công nghệ, vậy lý do vì đâu?

Theo cá nhân mình thấy lý do chính khiến các công ty công nghệ ít làm công đoạn ref check này là vì:

  • Thực trạng thị trường lao động mảng này ngày càng “hot”, khi có CV phù hợp hoặc gặp được UV phù hợp thì công ty mừng hú hồn rồi, lo mà tuyển cho lẹ không thôi UV nhận offer khác;
  • Thấy trên profile Ứng viên để từng làm ở các công ty có tên tuổi, thương hiệu một chút thì có vẻ đây là “hàng ngon” nên phải hốt ngay;
  • Áp lực thiếu người nên cần tuyển gấp;
  • Hiring Manager/HR thiếu kinh nghiệm, ít mối quan hệ để có thể ref check.

Mình chia sẻ một số góc nhìn cá nhân về vấn đề này.

Ở góc độ Hiring Manager/HR: Theo kinh nghiệm mình thấy việc ref check là rất quan trọng ở thời điểm hiện tại, đặc biệt là các vị trí mà pool UV càng hiếm thì càng nên check trước khi tiến hành qua trình tuyển dụng. Mình nhìn nhận như vậy vì thời gian gần đây có khá nhiều trường hợp mình được bạn bè trong network nhờ check quá trình làm việc của UV ở Sen Đỏ thì thấy nhiều trường hợp UV chia sẻ không thật trong CV, khi là không thật về thời gian làm việc, khi thì không thật về title, khi thì không thật về scope of work, có khi là cả 2, 3 yếu tố này. Thậm chí CV bạn mình nhận từ headhunter gửi sang thỉnh thoảng cũng được make up ít nhiều.

Vậy việc ref check nên tiến hành khi nào? Theo kinh nghiệm mình thấy HR/Hiring Manager có thể ref check ở những thời điểm sau:

  • Vừa nhận được CV
  • Trong quá trình tiến hành tuyển dụng, trước khi chuẩn bị offer
  • Đang trong thời gian thử việc

Tuy nhiên tốt nhất là nên check kỹ trước khi tiến hành offer và mình thấy có một số nguyên tắc nên cân nhắc khi tiến hành ref check:

Trường hợp ref check official: 

  • Bắt buộc phải thông báo và xin phép UV trước khi tiến hành ref check
  • Chỉ nên ref check với công ty mà UV không còn làm việc
  • Khuyến khích nên check official khi 99,99% muốn offer UV vì việc này khá mất thời gian.

Trường hợp tự check trong network cá nhân: Hết sức thận trọng khi check trong trường hợp này để tránh ảnh hưởng đến UV, đặc biệt là check với các nhân sự của công ty UV còn đang làm việc. Việc check này chỉ hiệu quả khi mối quan hệ của mình với người check đủ tin tưởng lẫn nhau và tính bảo mật là đặc biệt quan trọng. Qua đây cũng cho thấy khi làm HR thì tính bảo mật thông tin và kỹ năng xây dựng mối quan hệ là tối cần thiết.

Nên ref check như thế nào để thông tin thực sự có giá trị?

  • Nên check từ 3-4 người trở lên, bao gồm cả HR công ty cũ của UV và các cựu đồng nghiệp/ cấp trên/cấp dưới của UV, phối hợp check official và non-official (Từ mối quan hệ cá nhân).
  • Thông tin có được chỉ là thông tin tham khảo và cần phối hợp với các nguồn thông tin khác để ra quyết định tuyển dụng (đánh giá phỏng vấn, bài test,…).

Mình nói chỉ là thông tin tham khảo và cần check nhiều người vì việc đánh giá một người là khá cảm tính, tùy vào hoàn cảnh, quan điểm, góc nhìn của người đánh giá và đặc biệt là con người sẽ thay đổi theo thời gian. Nếu công ty không muốn trực tiếp check thì có thể thông qua các agency, trên thị trường lao động hiện tại cũng có một số agency cung cấp dịch vụ này.

Ở góc độ Ứng viên

Mình nên hạn chế tối đa việc make up CV vì thời buổi này rất dễ để các Hiring Manager/HR tìm kiếm mối quan hệ và check thông tin. Công ty họ sẽ đi tìm hiểu thông tin các bạn trước khi tiến hành quá trình tuyển dụng cũng giống như các bạn sẽ hỏi han, thăm dò tìm hiểu về công ty trước khi ứng tuyển.

Nhân tiện chỗ này mình cũng chia sẻ là khi tìm hiểu về một công ty nào đó thông qua các mối quan hệ các bạn cũng nên tìm hiểu từ nhiều nguồn để đảm bảo tính khách quan vì cũng giống như bên trên mình đã nói, việc một người đánh giá một người hay một công ty, tổ chức thì ít nhiều mang tính chất cảm tính và tùy thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh, quan điểm, góc nhìn của người đó cũng như các công ty, tổ chức sẽ luôn luôn thay đổi theo thời gian (Thường là theo hướng tích cực).

Cá nhân mình nghĩ không có việc gì là đúng sai tuyệt đối, không có công ty nào là tốt hay xấu tuyệt đối mà có chăng đó là SỰ PHÙ HỢP ở từng thời điểm. Bạn thấy một công ty tồn tại được nhiều năm thì chắc chắc họ phải có điểm gì đó hay ho, thu hút mà nếu mình không ở trong môi trường đó đúng thời điểm thì sẽ khó cảm nhận được.

Khi các bạn cung cấp thông tin người tham khảo cho nhà tuyển dụng thì nên xin phép và báo trước cho người đó để khi công ty gọi/liên hệ thì họ không bị ngỡ ngàng.

Với hơn 10 năm đi làm mình chứng kiến không ít trường hợp vì không ref check mà dẫn đến tuyển dụng không hiệu quả, đôi khi gây hậu quả nghiêm trọng, ngược lại mình cũng từng trải nghiệm một số trường hợp vì check thông tin mà quyết định không offer cũng như cung cấp thông tin cho Hiring Manager ra quyết định, dù là thông tin tiêu cực nhưng Hiring Manager vẫn tuyển dụng và kết quả thường là chia tay sớm. Qua đó mình thấy việc ref check thông tin ứng viên một số vị trí quan trọng là rất cần thiết, đặc biệt là trước khi offer để tránh mất thời gian của 2 bên.”

*Photo: Internet