Giật tít thế thui, bài này mình chia sẻ quan điểm về EXIT INTERVIEW (EI) và khái niệm mình vừa tìm hiểu là STAY INTERVIEW (SI).
EI là gì?
Đại khái EI là phỏng vấn Nhân viên sắp nghỉ việc còn SI là phỏng vấn Nhân viên lúc họ đang còn mặn nồng với công ty. Thực hiện EI là hoàn toàn chính đáng và nên làm tuy nhiên khi công ty đợi đến NV nghỉ việc (hoặc bị đuổi) mới lắng nghe họ thực sự cảm nhận và nghĩ như thế nào, lúc này đã quá trễ để sửa chữa vấn đề đối với NV này. Hơn nữa, khi NV ra đi không đưa ra một thông tin xây dựng nào trong cuộc phỏng vấn thôi việc, điều này cũng hoàn toàn không có gì lạ vì hoặc là họ thấy không quan tâm nữa (Chẳng có lý do gì để họ phải nói) hoặc họ không muốn làm phật lòng đồng nghiệp/cấp trên (Vì họ nghĩ biết đâu một ngày nào đó lại làm chung).
Vậy còn SI thì sao?
Thông thuờng việc SI được tiến hành định kỳ hàng tháng/quý bởi Line manager (Cấp trên trực tiếp) với NV bên dưới, hoặc có thể Phòng Nhân sự sẽ phối hợp, hỗ trợ thực hiện công việc này. SI để người quản lý hiểu rõ hơn về quá trình thực hiện công việc của Nhân viên, những khó khăn mà họ đang gặp phải cũng như lắng nghe những góp ý, đề xuất và nguyện vọng của họ đối với công ty/công việc. Mình thấy đa phần các công ty thực hiện ESS (Employee Satisfaction Survey) và đâu đó xem việc này như là SI, tuy nhiên SI có nhiều ưu điểm hơn:
- Chúng ta sẽ nhận được câu trả lời rất khác nhau giữa NV bình thường và NV giỏi, sẽ hiểu rõ hơn những NV xuất sắc thực sự quan tâm đến những điểm gì ở công ty;
- SI là cuộc trò chuyện 2 chiều, có tương tác, phản hồi;
- Được hỏi để đào sâu câu chuyện và phần nào đọc/cảm nhận được cảm xúc của NV;
- Hiểu sâu hơn về điều kiện, hoàn cảnh cá nhân của NV.
Khi thực hiện SI cần lưu ý:
- Công ty bạn phải khuyến khích văn hóa giao tiếp cởi mở;
- Nhân viên phải thấy được bạn thực sự nghiêm túc trong việc mong muốn cải thiện môi trường làm việc và hỗ trợ họ;
- Phải có sự thay đổi sau khi được góp ý;
- Biết cách đặt câu hỏi, đây là một kỹ năng mà mình nghĩ là rất khó trong nhóm kỹ năng giao tiếp chỉ sau kỹ năng lắng nghe, ai muốn giỏi thì đi học và thực hành coaching nhé;
- Thực sự lắng nghe;
- Giải thích, bào chữa hoặc thể hiện thái độ phòng thủ chỉ làm cho buổi trao đổi trở nên phí thời gian.
Ở tầm công ty, từng đợt làm SI thì các Line manager nên chia sẻ, thảo luận kết quả có được đồng thời cùng nhau tìm kiếm giải pháp, mô hình phù hợp cho sự phát triển của công ty.
Cho dù là làm EI, SI hay ESS thì việc quan trọng là xử lý data và có kế hoạch hành động sau đó. Mình thấy đa phần các công ty làm rất tốt đoạn khảo sát, hỏi nhưng sau khi có kết quả thì lẳng lặng lưu ở đâu đó mà không thấy công bố hoặc công bố, lên kế hoạch hành động rất cụ thể nhưng rồi không có theo dõi, cập nhật kết quả, kiểu làm cho có với thiên hạ và có cái để báo cáo. Và vì vậy những lần sau khi làm khảo sát tiếp thì NV sẽ tự hỏi liệu tui góp ý chia sẻ thì có ai lắng nghe, phản hồi hay thay đổi gì hong nên thôi làm chi mất thời gian.
Kết: Khi phỏng vấn Nhân viên, bạn có quyền đồng ý hay không đồng ý quan điểm của họ nhưng những chia sẻ đó là những gì thực tế đang xảy ra tại công ty bạn.
Anh/Chị/ Bạn nào muốn tham khảo một số câu hỏi dành để thực hiện stay interview thì liên hệ mình nhé.
*Photo: Internet